Hạ tầng

Thợ cầu 471 trắng đêm xây cầu Lý Hòa

01/05/2015, 18:30

Chỉ vài phút nghỉ ngơi, những người thợ cầu lại vội vã chuẩn bị “hành trang” để bước vào ca 3.

 

Untitled
Những thợ cầu 471 vẫn ngày đêm thi công trên công trường xây dựng cầu Lý Hòa để đưa công trình về đích đúng hẹn

Những ngày trung tuần tháng 4, trời Quảng Bình như đổ lửa, không khí trở nên ngột ngạt. Nhưng trên công trường xây dựng cầu Lý Hòa, những người thợ cầu 471 vẫn ngày đêm miệt mài, tranh thủ từng khoảng thời gian để khẩn trương đưa công trình về đích đúng hẹn…

Vượt nắng, thắng mưa, dốc sức thi công…

18h30 ngày 15/4, PV Báo Giao thông có mặt tại công trường thi công cầu Lý Hòa đúng lúc đội ngũ kỹ sư, công nhân của Công ty Cổ phần 471 (Công ty 471) chuẩn bị bữa cơm chiều, dưới cái nóng oi bức của một ngày nắng hạn.

Hơn 30 phút, khi bữa cơm vừa kết thúc, chỉ vài phút nghỉ ngơi, những người thợ cầu lại vội vã chuẩn bị “hành trang” để bước vào ca 3. Tranh thủ thời gian chờ công nhân đưa thiết bị ra công trường, kỹ sư Bùi Danh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng phụ trách kỹ thuật dự án đã phổ biến nhanh nội dung công việc: “Mũi số 1 hoàn thiện hệ thống cốt thép và ván đúc mũ trụ T5 để ngày mai TVGS nghiệm thu, đổ xà mũ; mũi số 2 ép cốt thép ván khuôn chuẩn bị cho việc đổ bê tông mố M2; mũi số 3 đóng khung vây cọc ván thép quanh trụ T4...”. Cứ thế, công việc được phân đều cho đến khi cả 6 mũi thi công trong ca đều nắm được phần việc của mình.

Tâm sự với PV trên đường ra công trường, kỹ sư Tuấn chia sẻ, mùa này, thời tiết nắng nóng, ban ngày có thời điểm nhiệt độ lên đến gần 40oC, khiến anh em công nhân mất sức khá nhiều. Vì thế, Ban chỉ huy công trường đã chủ động rút ngắn thời gian làm việc các ca sáng, chiều và kéo dài ca đêm để anh em bớt vất vả.

23h, công trường gần 100 con người tham gia thi công trở nên nhộn nhịp. Tại đây, kỹ sư Nguyễn Văn Thành, Phó Ban điều hành công trường cho biết thêm: “Ban đầu, Công ty 471 được giao xây dựng cầu Lý Hòa trong 12 tháng, từ cuối tháng 9/2014. Tuy nhiên, do đổi thiết kế và chuyển đổi chủ đầu tư nên đến cuối tháng 12, đơn vị mới thực hiện dự án. Trong khi đó, phía chủ đầu tư còn yêu cầu rút tiến độ thêm hai tháng khiến quỹ thời gian thi công công trình chỉ còn vẻn vẹn 8 tháng”.

Cũng vì tiến độ gấp rút, nên từ khi triển khai dự án đến nay, toàn bộ kỹ sư, công nhân trên công trường cầu Lý Hòa đều phải làm việc hết công suất, bất kể ngày, đêm, ngày nghỉ. Theo kỹ sư Thành, lúc cao điểm, đơn vị đã huy động tới 20 kỹ sư, 130 công nhân, gấp ba lần quân số so với các công trình cùng quy mô để phục vụ vận hành đồng thời 6 dây chuyền khoan, năm bộ cần cẩu và một dây chuyền đúc cấu kiện bê tông. Nhờ đó, đến nay tiến độ thi công dự án luôn theo sát biểu đồ.

Không cần nhìn vào cuốn sổ Nhật ký công trường đang cầm trên tay, kỹ sư Thành vẫn có thể đọc vanh vách tiến độ thi công dự án. Theo đó, sau hơn ba tháng triển khai thi công, đến nay đơn vị đã hoàn thành 37/37 cọc khoan nhồi của năm trụ và hai mố; chuẩn bị đúc xà mũ trụ T5, bệ trụ T4, ghép ván khuôn các trụ T2, T3, mố M1; đúc được 12/30 phiến dầm, sản lượng thi công ước đạt trên 20 tỷ đồng, tương đương 35% tổng giá trị dự án.

Chủ động sáng kiến vượt khó…

Nói về những khó khăn gặp phải khi triển khai thi công dự án này, kỹ sư Bùi Danh Tuấn cho biết: Ngoài sức ép về tiến độ, thì điều làm chúng tôi cảm thấy lo nhất là mặt bằng và địa chất. Theo kỹ sư Tuấn, hiếm có công trình thi công cầu nào mà đơn vị thi công phải tận dụng gần như 100% mặt bằng cả trên cạn lẫn dưới nước để làm nơi đặt thiết bị. Ngoài một ụ nổi ở giữa sông, hai cần cẩu ở hai bờ Nam – Bắc, thì mọi thiết bị trên công trường đều gần như “bất di bất dịch”. Do hạn chế về mặt bằng mà xe, máy, vật liệu trước khi đưa vào công trường đều phải được Ban điều hành công trường tính toán một cách kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến quá trình thi công.

Cùng với trở ngại về mặt bằng, thì cấu tạo địa chất phức tạp cũng là một trong những yếu tố cản trở nỗ lực đẩy nhanh tiến độ của nhà thầu. Về điều này, kỹ sư Tuấn cho hay: “Cầu Lý Hòa nặng về phần âm, mỗi trụ đặt trên một nền địa chất khác nhau, nơi thì nền đá, nơi thì cát sụt. Có những mũi khoan vừa khoan xong đã bị sụt vách, phải cắm lồng thép khoan lại, có mũi phải khoan sâu tới 25m, nhưng chỉ có 7m là cát, bùn còn lại là… đá”.

Trước những khó khăn trên, những người thợ cầu 471 đã sáng tạo, chủ động linh hoạt các biện pháp thi công, tiêu biểu như: đắp đảo thi công ở bờ Bắc, làm sàn đạo ở bờ Nam để vừa thi công được mố M1, M2 vừa thi công được hai trụ gần bờ; dùng ụ nổi thay thế sà lan để khắc phục nhược điểm nước sông cạn. Đặc biệt, vừa qua Ban điều hành dự án đã có sáng kiến làm đường lao dầm độc lập để rút ngắn một nửa thời gian lao dầm: “Theo phương án thi công ban đầu, tư vấn thiết kế yêu cầu lao dầm dọc, từng nhịp một từ bờ Nam sang bờ Bắc. Thế nhưng, trên thực tế, nếu thực hiện theo phương án này, sẽ phải mất khá nhiều thời gian, gây nguy cơ vỡ tiến độ.

Vì thế, đơn vị đã chủ động xây dựng đường lao dầm độc lập, song song với các trụ và áp dụng kỹ thuật lao dầm ngang, kết hợp thi công cuốn chiếu bản mặt cầu, góp phần giảm thời gian thi công hạng mục này”, kỹ sư Tuấn nói về sáng kiến đã được đội ngũ TVGS và chủ đầu tư đánh giá rất cao sau khi áp dụng.Ngoài ra, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, 20 kỹ sư trong Ban điều hành thường xuyên phải bám sát tại hiện trường, sẵn sàng giải quyết các vấn đề vướng mắc. Cùng đó, mỗi tuần hai lần, dưới sự điều hành trực tiếp của PGĐ Nguyễn Ngọc Hưng, các kỹ sư trong Ban điều hành họp kiểm điểm tiến độ và xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết của từng mũi cho những ngày tiếp theo.

Theo tìm hiểu của PV, để giám sát chất lượng thi công các hạng mục công trình ở dự án xây dựng cầu Lý Hòa, Công ty 471 đã đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm hiện trường, một trạm trộn bê tông riêng công suất 80 tấn/h, đặt cách công trường chưa đầy 500m. Nhờ đó, 100% bê tông phục vụ thi công cầu Lý Hòa là bê tông tươi, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; tất cả vật liệu đầu vào đều được lấy mẫu, kiểm tra chất lượng trước khi thi công đại trà.3h sáng, đội ngũ kỹ sư, công nhân trên công trường vẫn miệt mài làm việc.

Lúc này, Phó Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Thành thông tin cho PV về đường găng tiến độ: “Ngày 30/4, lao xong nhịp dầm đầu tiên; ngày 10/5 phải hoàn thành trụ T4, T5, mố M1 và lao nhịp dầm tiếp theo; 23/6 phải thi công xong ba trụ còn lại và đúc đủ 30/30 phiến dầm; 15/7 hoàn tất quá trình lao dầm và thi công nốt các bản mặt dầm để trước 15/8 hoàn tất quá trình thi công; 28/8 khánh thành đưa vào sử dụng, đưa công trình cầu Lý Hòa trở thành một trong những công trình chào mừng 70 năm Ngày truyền thống ngành GTVT”.

Cầu Lý Hoà là một trong 18 cầu thuộc dự án sửa chữa 18 cầu yếu mới được Bộ GTVT quyết định bổ sung vào dự án nâng cấp, mở rộng QL1. Theo quy mô, cầu có chiều dài 179m, chiều rộng mặt cầu 10,5m, đường dẫn hai đầu cầu 287m, gồm: Hai mố, 5 trụ, 6 nhịp dầm I 24,7m. Tổng kinh phí xây dựng 57 tỷ đồng và do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư. Cầu được khởi công xây dựng từ ngày 24/12/2014, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 10/2015.Đánh giá về năng lực của nhà thầu 471 tại dự án này, PGĐ Sở GTVT Quảng Bình  Trần Văn Luận cho rằng: Công ty 471 là nhà thầu có năng lực, có kinh nghiệm do đã từng tham gia thi công một số công trình do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư. Với công trình cầu Lý Hòa, 471 là đơn vị đến sau nhưng là một trong những nhà thầu tích cực, quá trình thi công, nhà thầu đã tiếp tục chứng minh khả năng sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thi công góp phần rút ngắn thời gian thi công dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.