Văn hóa - Giải Trí

Thơ mất mùa, văn xuôi èo uột trong “vườn” giải thưởng văn học

07/02/2018, 07:56

Nhìn toàn cảnh văn học nước nhà trong một năm qua có thể thấy gam màu trầm chiếm ưu thế chủ đạo.

21

“Đêm núm sen” của Trần Dần dù được gọi là bom tấn văn học 2017 nhưng thực chất là tác phẩm ra đời năm 1961

Văn học Việt “mất mùa”

“Năm qua, thơ mất mùa và văn xuôi nói chung cũng thưa vắng”, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ một cách ngắn gọn. Nghe có vẻ phũ phàng, nhưng năm 2017 quả thực phản ánh đúng thực trạng này. Chất lượng tác phẩm có thể tùy người, nhưng khi đồng loạt giải thưởng của các hội nhà văn từ Hà Nội tới TP HCM lẫn Trung ương hoặc trắng giải, hoặc tác phẩm đoạt giải gặp scandal thì rõ ràng việc sáng tác văn học đã có vấn đề.

Cuối tuần qua, Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành trao giải thưởng thường niên. Chỉ có hai tác phẩm lý luận phê bình (Bóng người trong bóng núi - Lê Thành Nghị và Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây - Phùng Văn Tửu) và một tác phẩm dịch (Khổ vì trí tuệ của Aleksander Griboedov - Lê Đức Mẫn) được xướng tên. Phần còn lại, tức thơ và văn xuôi đều không có tác phẩm đoạt giải.

Điều tương tự diễn ra khi Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thường niên cách đây hai tháng, thơ cũng trong tình trạng trắng giải dù đây là đợt xét chung của cả hai năm 2016 và 2017. Ở miền Nam, Hội Nhà văn TP.HCM chỉ có một giải chính thức cho tác phẩm lý luận phê bình văn học, còn lại đều là tặng thưởng. Đó còn là chưa kể tới những scandal như “không đủ điều kiện vẫn được tặng thưởng” (Tập Thơ Trắng - La Mai Thi Gia; Nghi lễ của ánh sáng - Lê Tuân) và “đạo thơ” (Những ký âm ngân - Nguyễn Thị Thanh Long).

Đó là góc độ trao giải, còn ở mặt bằng chung trong năm 2017 gần như không chứng kiến một sự đột biến nào. Bứt phá doanh thu nhất là Cây chuối non đi giày xanh (170 nghìn bản in), song bị cho là thụt lùi ngay với các tác phẩm trước đó của chính tác giả - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đêm núm sen của Trần Dần được truyền thông ca tụng là bom tấn văn học của năm, kỳ thực đã ra đời từ... 56 năm trước.

Hiếm hoi kể được một số cái tên như Con chim Joong bay từ A-Z của Đỗ Tiến Thụy, 6 ngày của Tô Hải Vân... song đều không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. “Tôi còn nhớ năm 1991, giải thưởng Hội Nhà văn trao 6 tác phẩm thì 3 trong số đó là những tác phẩm lừng lẫy: Bến không chồng của Dương Hướng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Một mùa văn học bội thu. Còn năm nay thì mất mùa”, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng ngậm ngùi nhận định.

Sống ảo và già hóa

Khi bóc trần từng lớp của bức tranh văn học Việt 2017 - màu trầm nhiều hơn màu tươi - thì trách nhiệm lớn nhất vẫn quy về nhà văn, nhà thơ. Xa rời đời sống thực tế, chìm đắm trong thế giới mạng, ỷ lại những nguồn tư liệu ảo... là một trong những nguyên nhân chính. Xác nhận có sự thật này, nhà lý luận phê bình văn học, PGS.TS. Đoàn Lê Giang đồng thời nhắc lại vụ việc truyện Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga làm dẫn chứng.

Tác phẩm được đăng trên Báo Văn nghệ tháng 12/2017, gây tranh cãi khủng khiếp khi viết về Trần Ích Tắc là tình báo hai mang của Đại Việt trong cuộc kháng chiến Mông - Nguyên. Ông Đoàn Lê Giang cho biết: “Tác giả dựa trên một tài liệu internet để viết theo luận điểm Trần Ích Tắc là nội gián tình báo. Việc này hoàn toàn không có bằng chứng, chỉ là suy luận cá nhân nên gây ra ồn ào, tranh cãi về việc xuyên tạc lịch sử. Có thể nói tác giả Trần Quỳnh Nga là một nạn nhân của việc tìm hiểu lịch sử mà không chịu đọc chính sử, chỉ ăn ngủ trên mạng, không đủ tri thức để xác định đúng sai thật giả của những nguồn tư liệu ảo đó”.

Đồng tình với quan điểm giới cầm bút đang lười đi, ông Bùi Việt Thắng cũng một lần nữa nhấn mạnh tình trạng già hóa “giật mình” của văn đàn Việt. “Hãy thử nhìn vào năm 2016, độ tuổi trung bình của các nhà văn nhận giải thưởng văn học là 61,5. Vậy mà sang năm 2017, con số tôi vừa thống kê ra là... 79. Một nền văn học già hóa, xơ cứng. Lớp trẻ dù rất hăng hái nhưng thiếu kinh nghiệm, thiếu điều kiện và nhiều thứ khác. Nhiệt huyết như hỏa diệm sơn của họ chỉ biết tự cháy mà thôi”. Ngay trong những đợt kết nạp gần đây của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Hội Nhà văn Hà Nội, số lượng đầu vào xấp xỉ 30 nhưng lượng người ở độ tuổi 8x cũng vô cùng hiếm hoi.

Văn chương đang có dấu hiệu bị đẩy xa khỏi trung tâm văn hóa, thay thế bởi các loại hình giải trí nghệ thuật trực quan hơn. Trong bối cảnh đó, lực lượng sáng tác lại đang bộc lộ quá nhiều vấn đề để nuôi dưỡng đời sống sáng tác. Vậy nên, không lạ khi thấy văn học Việt Nam có một năm 2017 kém khởi sắc lạ thường. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.