Thế giới giao thông

Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành cây cầu kỷ lục nối Âu-Á

31/08/2016, 07:22

Ngày 26/8, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khánh thành cây cầu Yavuz Sultan Selim, nối liền châu Âu và châu Á.

cau treod
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chụp ảnh trong ngày khánh thành cây cầu

Ngày 26/8, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khánh thành cây cầu Yavuz Sultan Selim, bắc qua eo biển Bosphorus, nối liền châu Âu và châu Á, ở TP Istanbul. Đây là cây cầu biểu tượng mang nhiều ý nghĩa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kỷ lục thế giới

Yavuz Sultan Selim, chiếc cầu thứ ba bắc qua eo biển Bosphorus, được xem là cây cầu rộng nhất thế giới, với độ rộng mặt cầu tới 58,4m với 8 làn xe chạy và hai đường ray. Cầu dài hơn 2km, cao khoảng 1,5km so với mặt biển. Cầu Yavuz Sultan Selim sẽ là cầu treo dài nhất thế giới có một hệ thống đường ray. Kiến trúc sư người Pháp Michel Virlogeux, một trong những kiến trúc sư hàng đầu thế giới cho rằng: “Cây cầu này sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào số những nước tiên phong thế giới. Đây là công trình nổi tiếng nhất được xây dựng trong những năm gần đây”.

Cầu Yavuz Sultan Selim được xây dựng theo kiểu cây cầu treo Brooklyn ở New York (Mỹ). Chiều cao của tháp cầu Yavuz Sultan Selim ở Garipce về phía châu Âu là 322m - cao hơn cả tháp Eiffel và tháp kia ở quận Poyrazkoy phía châu Á cao 318m. Nó được xếp vào hàng những cây cầu lớn nhất thế giới về độ rộng mặt cầu, chiều cao tháp cũng như chiều dài phần bắc qua mặt biển của cầu. Cầu này được xem là giải pháp giảm bớt ách tắc giao thông cho TP Istanbul 14 triệu dân và là trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa và truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Dự án xây dựng cầu treo Yavuz Sultan Selim được khởi động năm 2013 có chi phí ước tính lên tới 3 tỷ USD. Đây là công trình thuộc một siêu dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng lên tới 200 tỷ USD mà Tổng thống Tayyip Erdogan đặt ra trong vòng 10 năm. Cầu được xây dựng bởi Công ty Astaldi của Italia và IC Ictas có trụ sở tại Istanbul. Hai công ty này sẽ cùng điều hành cây cầu trong khoảng 10 năm.

Tranh cãi

Tuy nhiên, việc xây dựng cây cầu gây một số tranh cãi. Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng, dự án sẽ làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước và làm gia tăng tình trạng phát quang rừng ở phía Bắc Istanbul, thành phố vốn đã thiếu nhiều không gian xanh. Theo họ, vấn đề giao thông đã không được giải quyết bằng hai cây cầu trước thì sẽ không thể giải quyết bằng cây cầu thứ ba này. Các chuyên gia kinh tế thì cảnh báo chi phí của một công trình xây dựng quy mô lớn như thế này là không bền vững.

Tên cây cầu cũng gây nhiều tranh cãi. Yavuz Sultan Selim là vị vua thứ 9 của đế chế Ottoman. Trong thời gian trị vì, vua Selim tiến hành một loạt cuộc chinh chiến và từng sáp nhập vùng Trung Đông vào đế quốc của mình. Ông cũng là người có chế độ cai trị hà khắc và được cho là đã ra lệnh thảm sát hàng nghìn người Alevis - một giáo phái nhỏ thuộc Ottoman trước đây.

Trong mắt một số người Ottoman, thì Alevis là dị giáo và trung thành với quyền lực Shiite nước ngoài. Theo các câu chuyện của Alevis (một tôn giáo nhỏ, ngày nay chiếm khoảng 10-15% dân số Thổ Nhĩ Kỳ), khoảng 40 nghìn người theo tôn giáo Alevis đã bị đội quân của Selim sát hại. Tuy nhiên, các nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vẫn tranh cãi về tư liệu này.

Năm 2013, Kemal Kilicdaroglu, người đứng đầu Đảng Dân chủ nhân dân, đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã đề xuất đổi tên cây cầu thành Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập nền cộng hòa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi chọn cái tên Yavuz Sultan Selim, Tổng thống Erdogan bày tỏ mong muốn sẽ tạo ra một huyền thoại có thể còn vượt xa hơn cả những gì mà Ataturk đã làm được. Ông muốn tái hiện lại lịch sử Ottoman một cách phù hợp với quyền lực của ông hiện nay.

“Chết đi, để lại một công trình kỷ niệm”

Mục đích xây dựng cầu Yavuz Sultan Selim của ông Erdogan là thay đổi Istanbul - thành phố lớn nhất châu Âu, nằm ở cả hai bờ eo biển Bosphorus. Trong hơn 10 năm qua, các tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm ở Istanbul, những con đường cao tốc mới được xây dựng, và độ dài của hệ thống tàu điện ngầm đã tăng gấp 3.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vượt trội của Istanbul nói riêng và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chậm lại từ năm 2011. Quốc gia nằm giữa châu Âu và châu Á này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 - vụ việc đã dẫn tới cuộc thanh trừng của Chính phủ với hàng chục nghìn người trong quân đội, tòa án, các cơ quan dân sự và ngành Giáo dục bị bắt giữ, bị đình chỉ chức vụ hoặc bị điều tra.

Bên cạnh đó, sức hút của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giảm khi nước này chứng kiến hàng loạt vụ đánh bom do Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành trong mùa hè vừa qua, trong đó có vụ tấn công vào một đám cưới và một sân bay ở Istanbul. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng, những sự kiện bất ổn này sẽ không ngăn cản được các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của ông.

Phát biểu trước hàng nghìn người tham dự lễ khánh thành cây cầu, Tổng thống Tayyip Erdogan đã nói rằng: “Khi một ai đó chết đi, người đó sẽ để lại đằng sau một công trình kỷ niệm”. Ông muốn sử dụng những dự án như thế này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đất nước có tầm ảnh hưởng không chỉ ở châu Âu mà còn ở cả châu Á. Nếu đạt được những thành tựu lớn như đã định, ông Erdogan sẽ trở thành nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ thời nhà sáng lập nền Cộng hòa mới Mustafa Kemal Ataturk.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.