Thời sự Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ "không đóng cánh cửa" gia nhập NATO với Phần Lan, Thụy Điển

Thổ Nhĩ Kỳ "không đóng cánh cửa" gia nhập NATO với Phần Lan, Thụy Điển nhưng muốn 2 nước Bắc Âu nỗ lực chấm dứt các hoạt động của khủng bố.

Trao đổi với hãng tin Reuters ngày 14/5, ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, cho biết: “Chúng tôi không đóng cánh cửa (gia nhập NATO với Phần Lan và Thụy Điển) nhưng chúng tôi đang nêu lên những tác động có thể có từ việc này đối với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ”.

Theo ông Kalin, Đảng Lao động người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU đánh giá là tổ chức khủng bố, đang gây quỹ và chiêu mộ thành viên tại châu Âu. Sự hiện diện của PKK tại Thuỵ Điển rất mạnh và công khai.

Theo ông Kalin, các quốc gia Bắc Âu cần phải chấm dứt việc cho phép các hoạt động, tổ chức, thành viên và những hình thức hiện diện khác của PKK tồn tại trên đất nước của họ.

img

Ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên kiêm cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh - Reuters

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara muốn đối thoại với giới chức Thụy Điển về vấn đề gia nhập NATO để làm rõ vấn đề.

Trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và một số quốc gia châu Âu chứa chấp các tổ chức mà Ankara coi là khủng bố, bao gồm nhóm người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Gulen tiến hành âm mưu đảo chính năm 2016 dù ông này phủ nhận.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ không bị ảnh hưởng bởi việc Nga kịch liệt phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO.

Trước đó, ngày 13/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố, Ankara không ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO bởi hai quốc gia này, theo Ankara, là nơi nhiều tổ chức khủng bố trú ngụ.

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến quá trình gia nhập NATO của Thuỵ Điển và Phần Lan (nếu có) sẽ khó khăn hơn bởi theo quy định của liên minh, các quốc gia muốn gia nhập NATO cần nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên. Mỹ và các quốc gia thành viên khác đang làm rõ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/5, phát biểu trước cuộc họp với các đối tác NATO tại Berlin, bao gồm đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto tin rằng, Phần Lan sẽ tìm được giải pháp thuyết phục Ankara ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO.

Trước nay, Thụy Điển, Phần Lan luôn theo đuổi chính sách trung lập, nhưng lo ngại an ninh tại hai nước này đã tăng cao sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2.

Theo tuyên bố chung ngày 12/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết quốc gia Bắc Âu này cần xin gia nhập NATO ngay lập tức. Thụy Điển được cho là sẽ sớm tiếp bước Phần Lan và sẽ thông báo về việc xin gia nhập liên minh sớm nhất vào ngày 16/5.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.