Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ ra tối hậu thư nhập cư với châu Âu

16/08/2016, 05:57

Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã mạnh miệng hơn sau khi quan hệ với Nga được cải thiện gần đây.

Thổ Nhĩ Kỳ dọa
Thổ Nhĩ Kỳ dọa “thả” hàng trăm nghìn người tị nạn sang châu Âu nếu không đạt được thỏa thuận miễn thị thực

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu mạnh miệng ra tối hậu thư yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) cấp phép miễn thị thực đi lại cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 tới nếu không nước này sẽ hủy bỏ thỏa thuận nhập cư với EU, theo Bild ngày 15/8. Theo đó, nếu không đạt được thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cửa cho hàng trăm nghìn người tị nạn đang ở nước này tràn sang châu Âu.

Động thái trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng bố với những hậu quả nhãn tiền các lãnh đạo châu Âu đều nhận thấy qua hàng loạt vụ khủng bố tại Pháp, Brussels... thời gian qua. Ông Cavusoglu nói: “Tôi không muốn nói về kịch bản xấu nhất - đàm phán với EU sẽ vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, rõ ràng, một là tất cả các thỏa thuận được thông qua, hai là chúng tôi gạt kế hoạch người tị nạn sang một bên”.

Điều đáng nói, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã mạnh miệng hơn sau khi quan hệ với Nga được cải thiện gần đây. Mới tuần trước, ông Selim Yenel, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại EU chỉ nói, đang nỗ lực tìm một thỏa thuận với EU về việc nới lỏng thị thực và thừa nhận, khả năng phải đến năm 2016 mới có thể thực hiện. Nay, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nước bắt tay, tháo bỏ các lệnh trừng phạt và “làm ấm lại quan hệ ngoại giao”. Ở vị thế đã có Nga bên cạnh, Thổ Nhĩ Kỳ không ngại mạnh miệng ra tối hậu thư cho châu Âu như trên.

Việc cho phép người Thổ Nhĩ Kỳ không cần thị thực khi sang EU nhiều lần bị trì hoãn vì các tranh cãi liên quan tới chính sách chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ và việc đàn áp sau binh biến ngày 15/7 thất bại. EU lo ngại tính độc lập của bộ máy tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa khi chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan liên tiếp sa thải hoặc bắt giữ gần 20.000 binh lính, cảnh sát, thẩm phán và công tố viên.

Ngoài ra, sau binh biến, ông Erdogan còn có ý định khôi phục án tử hình đối với những người tham gia binh biến, gây quan ngại cho các đồng minh phương Tây vốn kêu gọi Ankara cần phải tôn trọng Nhà nước pháp quyền. “Án tử hình là không thể nằm trong chính sách của các quốc gia thành viên EU. Vậy nên, một quốc gia muốn trở trở thành một nước thành viên của EU thì trong các hình thức xử lý tội phạm tuyệt đối không thể có hình phạt tử hình”, Ủy viên Ủy ban châu Âu Guenther Oettinger cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.