Đường sắt

Thợ Việt chế tác các đoàn tàu “Made in Vietnam”

13/11/2018, 10:17

Để có những đoàn tàu với tỷ lệ “nội địa hóa” lên tới hơn 80% như hiện nay, phải kể đến sự cống hiến...

30

Anh Trịnh Văn Hùng bên đoàn tàu hơi nước vừa được phục chế thành công

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại Công ty CP Xe lửa Dĩ An và chứng kiến không khí lao động hết sức sôi nổi. Hai đoàn tàu hơi nước cùng các toa xe “cổ” đã được công nhân phục chế xong, vận hành thử và đang chờ bàn giao cho một công ty du lịch. Nhiều toa xe thế hệ mới cũng đang trong quá trình hoàn thiện để kịp bàn giao theo tiến độ hợp đồng đã ký.

Khi biết chúng tôi muốn viết về những công nhân, ông Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Công ty CP Xe lửa Dĩ An gật gù: “Họ rất xứng đáng được ca ngợi. Để có được kết quả như hôm nay, cùng với các chủ trương, định hướng đúng để phát triển ngành thì những công nhân tay nghề cao của công ty đã đóng góp, cống hiến rất nhiều. Nhờ đó mà những đoàn tàu do công ty đóng không chỉ được “nội địa hóa” tới hơn 80% mà chất lượng cũng không thua kém sản phẩm ngoại nhập…”, ông Khiên nói.

Chúng tôi được Phó giám đốc phụ trách sản xuất Nguyễn Nhất Thắng đưa đi gặp 2 công nhân. Đó là ông Ngô Minh Hà (SN 1967, quê Diễn Châu, Nghệ An). Ông Hà vào làm tại công ty từ tháng 10/1998 và đã trải qua nhiều vị trí công việc. Sau khi tốt nghiệp khóa 10, Trường Công nghiệp Kỹ thuật đường sắt 2 (nay là Cao đẳng Nghề Đường sắt phía Nam) ông về công ty làm việc ở tổ nguội phụ tùng. Sau một thời gian, do có nhiều đóng góp, ông được tín nhiệm phân công làm tổ trưởng, phụ trách hơn 15 người chuyên về phụ tùng nguội toa xe, nồi hãm, giảm chấn, thiết bị vệ sinh… Tổ của ông luôn hoàn thành tốt những công việc được giao. Chẳng hạn như, sản xuất sàn vệ sinh inox cung cấp cho toàn ngành. Thiết bị này trước đây phải nhập từ Mỹ.

Khi công ty thực hiện đóng mới toa xe, ông Hà và các đồng nghiệp lại đảm trách nhiều phần việc quan trọng về phụ tùng, trang trí toa xe, phụ trách phần hãm vốn rất quan trọng với an toàn chạy tàu, mô hình giá chuyển, mô hình toa xe. Ngay như thiết bị vệ sinh microphor do ông Hà và các cộng sự thiết kế, sản xuất là bước đột phá lớn của ngành đóng tàu trong nước. Hệ thống xử lý chất thải này, trước kia chỉ có 1 lỗ, nay đột tới 9 - 10 lỗ nên không còn tình trạng tắc nghẽn nhà cầu. Rồi như bộ khuôn đột giảm chấn thủy lực ấn, trước kia phải nhập, nay công ty đã tự sản xuất, lắp ráp để phục vụ việc đóng mới toa xe và cung ứng trong toàn ngành… Với những đóng góp cho đơn vị, nhiều năm liền ông Hà được công ty khen thưởng, từ năm 2009 - 2017 ông là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; từ 2010 đến nay, ông Hà nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Bình Dương, Công đoàn Đường sắt VN.

Cùng học trường Cao đẳng Nghề Đường sắt phía Nam như ông Hà nhưng anh Trịnh Văn Hùng (SN 1974, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) tốt nghiệp năm 1992, khoa Hàn. Sau khi ra trường, anh Hùng vào làm việc tại tổ nguội rồi tổ thùng bệ, trang trí nội thất, sản xuất phụ tùng, cơ khí lắp ráp… Từng tham gia cải tạo nâng cấp các toa tàu ở nhiều công đoạn, nhưng anh tâm đắc nhất là khi được làm ở tổ cơ khí lắp ráp 2. “Loạt xe đóng mới năm 2016 - 2017, tổ phụ trách toàn bộ việc sản xuất, lắp ráp giá chuyển hướng lò xo không khí do đơn vị nghiên cứu, chế tạo. Đây là thành công rất đáng kể của công ty cũng như của ngành. Giá chuyển hướng rất êm, ít phản công trong lúc vận hành, độ bền tương đương hoặc tốt hơn giá chuyển ngoại nhập, giá thành rẻ, chủ động trong sản xuất, nâng cấp các đoàn tàu…”, anh Hùng cho biết.

“Để kịp tiến độ giao hàng, anh em chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, có nhiều quãng thời gian làm việc từ 10 - 12 tiếng/ngày. Niềm vui của chúng tôi là sản xuất thật nhiều những đoàn tàu chất lượng cao để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách…”, anh chia sẻ. Nhờ có nhiều thành tích, từ năm 2002 đến nay, anh Hùng liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2016, anh vinh dự đại diện cho công ty nhận Bằng khen điển hình tiên tiến của ngành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.