Thế giới

Thỏa thuận kết thúc nội chiến Colombia bị người dân bác bỏ

04/10/2016, 06:54
image

Ngày 3/10 (theo giờ VN), người dân Colombia bác bỏ thỏa thuận với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC).

Phản ứng của người dân Colombia khi kết  quả trưng
Phản ứng của người dân Colombia khi kết  quả trưng cầu dân ý được công bố

Ngày 3/10 (theo giờ VN), người dân Colombia bác bỏ thỏa thuận với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), mặc dù thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết vài ngày trước đó.

Không có kế hoạch B

Đây là kết quả chấn động và hoàn toàn bất ngờ với Chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế bởi các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ thỏa thuận hòa bình sẽ đạt 55% - 66%, theo Reuters.

Cơ quan Thống kê Colombia thông báo, với 99,59% số phiếu được kiểm, 50,23% cử tri bác bỏ thỏa thuận hòa bình mới được ký kết giữa Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia trong cuộc trưng cầu ý kiến. Các cử tri tham gia bỏ phiếu chọn giữa hai câu trả lời “Đồng ý” hay “Không đồng ý” với thỏa thuận. Việc bỏ phiếu không bắt buộc.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Santos thừa nhận, đa số cử tri đã nói “Không” với thỏa thuận hòa bình vừa đạt được. Kết quả cuộc trưng cầu này là một thất bại lớn đối với Tổng thống Santos, người từ năm 2010 đã cam kết chấm dứt cuộc xung đột với FARC khiến 7 triệu người mất nhà ở. Ông Santos cũng từng cảnh báo sẽ không có kế hoạch B cho việc kết thúc cuộc nội chiến dai dẳng tại Colombia và trong trường hợp người dân “nói không”, thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình sau cuộc trưng cầu ý dân, ông tuyên bố: “Tôi sẽ không từ bỏ. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho đến giây phút cuối cùng trên cương vị Tổng thống, bởi đó là cách để lại cho con cháu chúng ta một đất nước tốt đẹp hơn”.

Về phần mình, FARC cũng ngay lập tức ra tuyên bố cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ, bất chấp thất bại vừa qua của cuộc trưng cầu ý dân. Nhà lãnh đạo FARC, ông Timoleón Jiménez nói: “Với kết quả hôm nay, chúng tôi biết rằng, FARC còn phải nỗ lực hơn nữa để tạo ra một nền hòa bình ổn định và lâu dài. Chúng tôi cam kết sẵn sàng duy trì hòa bình, vứt bỏ vũ khí để hướng tới tương lai, để người dân Colombia thực hiện được giấc mơ hòa bình. Hòa bình sẽ chiến thắng”.

Hàng trăm nghìn người chết, 7 triệu người bỏ nhà cửa

Theo thống kê, cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964 tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260 nghìn người, làm 45 nghìn người mất tích và khoảng 7 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Sau bốn năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ và FARC, cùng với sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải, hai bên đã đạt được thỏa thuận về hòa bình ngày 24/8/2016. Hai bên chính thức ký thỏa thuận hòa bình ngày 26/9 tại Cartagena. Sự kiện này được coi là một bước ngoặt lịch sử quan trọng đối với Colombia.

Chính phủ hy vọng lời hứa hẹn hòa bình có thể thuyết phục được đa số cử tri chấp nhận thỏa thuận này. Cuộc thăm dò ý kiến trước đó cho biết, thỏa thuận hòa bình sẽ sớm được người dân dễ dàng thông qua. Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ thỏa thuận sẽ đạt 55% - 66% và tỷ lệ không ủng hộ sẽ vào khoảng 35%. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu lại cho kết quả không như dự đoán. Lo ngại chính phủ đã quá nhượng bộ đối với FARC khiến người dân bác bỏ thỏa thuận này.

Trong khi những người ủng hộ thỏa thuận hòa bình với FARC và cho rằng, Colombia cần một cơ hội hòa bình để đất nước có thể tiến lên và phát triển, thì cũng có nhiều người phản đối. Chị Maritza Paraga, sống tại Bogota nói: “Ngay vào lúc này, rất nhiều người thất nghiệp và họ sẽ phải nhường nhiều quyền lợi cho những người theo FARC, những người đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho chúng tôi”. Nhiều người bày tỏ sự bất mãn đối với những vi phạm nhân quyền do cả hai bên gây ra trong cuộc xung đột như: Bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục, bắt cóc thường dân để đòi tiền chuộc. Không những thế, thỏa thuận hòa bình cho phép hàng nghìn lính FARC tái hòa nhập xã hội sẽ không đảm bảo chấm dứt những điều kể trên.

Jennie K. Lincoln, Giám đốc Chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Carter (Mỹ), cho rằng: “Có nhiều nạn nhân và có nhiều người muốn trả thù, nhiều người không thể tha thứ những hậu quả kinh khủng của một cuộc nội chiến. Những gì mà thỏa thuận hòa bình đang yêu cầu người dân Colombia phải làm đó là tha thứ để cùng tiến về phía trước. Nhưng đây là một yếu tố phức tạp trong xã hội Colombia. Làm thế nào để tiến lên sau 50 năm nội chiến và một thỏa thuận hòa bình không trừng phạt bất cứ ai mà người dân thấy cần phải bị trừng phạt”.

>>> Xem theme video máy bay đâm tiệm bánh ở Colombia, hơn 10 người thương vong:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.