Vận tải

“Thời cơ vàng” để doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số

15/06/2021, 06:10

Chỉ cần nhấp chuột sẽ biết được danh sách hành khách mỗi chuyến xe giúp việc phòng, chống dịch Covid-19 an toàn hơn.

img

Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan có ứng dụng riêng để khách đặt xe và quét QR Code thanh toán online, cùng với hợp đồng điện tử được kết nối về công an, cơ quan thuế, ngành GTVT

Đại dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải lao đao do đứt gẫy kết nối, doanh thu giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng là “thời cơ vàng” để họ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ kết nối để tương tác với hành khách, tìm kiếm nhiều cơ hội để phát triển…

Vận tải đứt gẫy do kết nối kém

Là DN khá thành công khi ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du Lịch Hà Lan cho biết, cách đây hơn 3 năm, Hà Lan đã xây dựng App (phần mềm) cho riêng mình để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Khách dễ tiếp cận với dịch vụ, trong khi những công việc quản lý thủ công bằng sổ sách, giấy tờ, chốt phơ lệnh trước đây dễ dẫn đến thất thoát doanh thu đã được loại bỏ từ khi có phần mềm điều hành.

“Chỉ cần nhấp chuột sẽ biết được danh sách hành khách mỗi chuyến xe giúp việc phòng, chống dịch an toàn hơn. Đồng thời, thông báo đến khách những biện pháp phòng, chống dịch và giúp truy vết dễ dàng khi không may có hành khách bị bệnh. Nhờ vậy, DN vẫn hoạt động bình thường trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng nhờ theo dõi, tương tác được với dòng khách bảo lưu bằng công nghệ”, ông Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, Hà Lan chỉ là một trong số rất ít DN chuyên đổi số thành công. Còn lại, đại đa phần các DN vận tải đang gặp vô vàn khó khăn. Đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lớn lên các dịch vụ vận tải, nhất là với vận tải đường bộ khi doanh thu gần đây giảm khoảng 80%.

Các hoạt động giãn cách, cách ly xã hội khiến chuỗi cung ứng vận tải bị đứt gẫy. Hiện, có đến khoảng 75% DN vận tải quy mô nhỏ lẻ, chỉ có một vài xe, thậm chí chủ xe kiêm luôn lái xe, làm ăn chụp giật. Doanh thu giảm khiến nhiều DN phải dừng hoạt động khi xảy ra dịch bệnh.

Vận tải hàng hóa cũng không sáng sủa hơn, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, phần lớn các DN có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, ứng dụng KHCN chưa cao.

Theo ông Tiến, quá trình chuyển đổi số, đầu tư mô hình tự động hóa có chi phí hàng tỷ đồng. Mức chi phí này là khá cao đối với những DN có quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam. Nguồn lực tài chính dành cho đầu tư quản trị kỹ thuật số trở thành một trong những bài toán khó giải đối với DN nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tài chính.

Ở góc độ người làm công nghệ, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui cho hay, hiện mới chỉ có 20% trong tổng số DN vận tải trong cả nước ứng dụng công nghệ.

“Do không có công nghệ kết nối, DN phải đối mặt với nhiều câu chuyện, trong đó có việc tranh giành khách trên đường”, ông Hà nói.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) cho hay, DN vận tải ở Việt Nam đa phần quy mô vừa và nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các hoạt động vận tải theo phương thức truyền thống bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh.

Chỉ có một số ít DN vận tải lớn chuyển đổi số hiệu quả, còn lại đa phần chưa phát triển được các nền tảng số kết nối giữa các chủ xe, chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng.

Vì vậy, chưa có một hệ thống một cửa cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và tìm các kho bãi chính xác, cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện quá trình xử lý các văn bản hành chính.

Nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra là do tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào các ứng dụng công nghệ số và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo DN. “Quan trọng hơn, các DN vận tải còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư chuyển đổi số khá lớn khiến họ ngần ngại”, ông Tùng nói.

Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Từ kinh nghiệm chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, cần bắt buộc DN phải có ứng dụng nền tảng công nghệ. Khi đó, DN mới có thể kê khai được các thông tin và hành trình của hành khách vận chuyển trong ngày. Phần mềm này của DN cũng phải được kết nối với các ngành khác như thuế, công an, giao thông để kiểm soát.

“Ứng dụng này cũng phải có mã QR code để hành khách khai báo y tế khi có dịch bệnh. Muốn làm được việc này, DN phải có nguồn lực cả về con người và tài chính. DN nào không áp dụng sẽ thu giấy phép kinh doanh, có như vậy việc chuyển đổi số trong DN vận tải mới thành công”, ông Hà nói.

Bộ GTVT sẽ rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành GTVT. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở và xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT)


Đề cập đến các lợi ích của chuyển đổi số, ông Phan Bá Mạnh nhìn nhận, Covid-19 làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại.

Chuyển đổi số là dữ liệu được số hóa, giúp DN vận tải dự báo được số lượng khách, xây dựng thương hiệu bền vững.

Chuyển đổi số cũng giúp DN có được dữ liệu khách hàng. DN có đầy đủ thông tin hành khách sẽ tạo ra các chương trình khuyến mại, thúc đẩy khách hàng thân thiết tiếp tục sử dụng dịch vụ.

“Chuyển đổi số của DN vận tải không còn là xu thế mà trở thành vấn đề sống còn của DN vận tải trong tương lai. Nếu muốn tồn tại, DN phải trang bị cho mình nền tảng công nghệ để tham gia vào chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nguồn lực khách hàng”, ông Mạnh nói.

Đề cập đến các giải pháp hỗ trợ DN vận tải chuyển đổi số, ông Lê Thanh Tùng cho hay, Bộ GTVT sẽ phát triển đội ngũ tư vấn chia sẻ kinh nghiệm cho DN vận tải vừa và nhỏ.

“Chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh vận tải truyền thống sang phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ, không sử dụng tiền mặt trong giao thông và ứng dụng công nghệ tiền mã hóa (blockchain) trong các giao dịch kinh tế vận tải cũng sẽ được triển khai”, ông Tùng cho hay.

Trong vận tải hàng hóa, ông Tùng cho biết, trên cơ sở số hóa thông tin và vận hành theo mô hình kinh tế số, Bộ GTVT sẽ xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối các kho bãi, bến cảng, DN vận tải để giảm giá thành chi phí. Xây dựng các nền tảng số, các sàn giao dịch vận tải kết nối giữa chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng để phát triển thành một hệ thống một cửa, giúp chủ hàng tìm phương tiện và kho bãi tối ưu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.