Xã hội

Thời điểm thích hợp để đầu tư CHK Quốc tế Long Thành

04/06/2015, 09:59

Sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo về dự án Long Thành trước Quốc hội.

bt-dinh-la-thang1-1133
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng báo cáo trước Quốc hội.

Tân Sơn Nhất quá tải, cấp thiết phải xây CHK Long Thành

Sáng nay (4/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Quốc hội.

Báo cáo về sự cần thiết thông qua chủ trương đầu tư dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, nước ta đang phát triển và hội nhập sâu rộng, lại có dân số đông, việc đầu tư CHK quốc tế Long Thành là cấp bách và cần thiết, góp phần đưa nước ta hội nhập với sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, hiện nay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã bị quá tải ở nhiều công đoạn, như: giao thông kết nối (thiếu chỗ đậu xe, lối vào sân bay), khu hành khách, khu dịch vụ hành hóa; sân đỗ; giao thông trên bầu trời bị tắc nghẽn; gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt về tiếng ồn và ô nhiễm không khí)...

Theo tính toán, dự kiến từ năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm, trong khi đó, nếu phê duyệt chủ trương xây dựng CHK Long Thành thì Giai đoạn 1 sớm nhất cũng phải đến 2022 mới hoàn thành.

Phương án cải tạo/mở rộng Sân bay quân sự Biên Hòa cũng không khả thi do chi phí đầu tư cải tạo lớn (7,5 tỷ USD cho công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm), bị nhiễm độc điôxin và đây đang là căn cứ quân sự then chốt trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Việc khai thác các cảng hàng không khác (Cần Thơ, Liên Khương...) để giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không phù hợp vì mỗi cảng hàng không có vai trò riêng trong từng khu vực kinh tế, phục vụ cho một thị trường hàng không nhất định.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, cần sớm đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực này; việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách và cần thiết.

Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời dần trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực theo xu hướng phát triển của cảng hàng không quốc tế.

Ảnh hưởng tới nợ công không đáng kể

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực (nhưng không làm thay đổi công nghệ, kỹ thuật chung của Dự án), giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó Giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng).

(Trước đó, trong giai đoạn lập Báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán cho cả Dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án của Nhật Bản, với giá trị là 18,7 tỷ USD, trong đó Giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng).

san_bay_long_thanh_YIOP_QNCG
Theo báo cáo của Chính phủ, tác động của Dự án tới nợ công tối đa chỉ là 0,28% GDP

Bộ trưởng Thăng cho biết, trong giai đoạn 1, dự kiến vốn ngân sách nhà nước là 12.149 tỷ đồng (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư của dự án) dùng cho công tác GPMB, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước; dự kiến phân bổ trong 3 năm, mỗi năm khoảng 4.000 tỷ đồng là có thể cân đối được.

Vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng (chiếm 26,5% tổng mức đầu tư của dự án), dự kiến dùng cho đầu tư xây dựng các hạng mục khu bay như: đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay. Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng (chiếm 62,4% tổng mức đầu tư của dự án) dùng để đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các hạng mục thương mại...

Tổng mức đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án sau khi rà soát lại giảm khoảng  2,6 tỷ USD (tương đương 54.619 tỷ đồng). Dự án dự kiến huy động gần 70 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách, chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư. 

Trích Báo cáo của Chính phủ

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng trình bày, trên cơ sở dự kiến sử dụng vốn theo từng năm trong giai đoạn triển khai Dự án (tạm tính từ 2016 - 2026) từ các phần vốn NSNN và vốn vay ODA trên GDP cho thấy, tác động của Dự án tới nợ công tối đa chỉ là 0,28% GDP. Như vậy, ảnh hưởng tới nợ công của Dự án là không đáng kể.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Thăng, nếu xây CHK Long Thành sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long       nói riêng. Ngoài ra, theo tính toán sơ bộ, việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 người lao động...

Không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết nhất trí với tính cần thiết phải xây CHK Long Thành.

Trước những ý kiến đề nghị nghiên cứu phương án mở rộng, nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để kết hợp cùng khai thác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm khó khả thi bởi nhiều nguyên nhân.

5
Hình ảnh các máy bay xếp hàng trên đường băng chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Trước hết vì phải đầu tư kinh phí rất lớn cho việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư, quá tốn kém so với phương án đầu tư xây dựng mới Cảng HKQT Long Thành. - Thứ hai, không thể khai thác được hết công suất do xung đột vùng trời với sân bay quân sự Biên Hòa. Việc giảm hoạt động bay quân sự của Biên Hòa chỉ giúp giải tỏa bay chờ, chậm chuyến vào một thời điểm nhất định, không mang tính lâu dài và bền vững.

Thứ ba, cảng HKQT Tân Sơn Nhất nằm trọn trong nội thị TP. Hồ Chí Minh, xung quanh Cảng hàng không có mật độ dân cư cao, do đó tiếng ồn máy bay có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và khả năng thiệt hại lớn về người nếu xảy ra tai nạn lúc máy bay hạ cất cánh.

Thứ tư, việc đưa, đón một lượng lớn hành khách ra vào Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ làm gia tăng áp lực giao thông trong thành phố do nguy cơ tắc nghẽn giao thông tại các cửa ngõ ra, vào sân bay .

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng thì Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là vị trí quan trọng về quốc phòng, có các đơn vị quân đội đóng quân, đi kèm với hạ tầng, phương tiện hậu cần kỹ thuật, là căn cứ quân sự dự bị chiến lược  nên không thể dành toàn bộ đất cho mục đích khai thác dân dụng của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Chọn Long Thành thuận lợi về nhiều mặt

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng tình với đánh giá của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết, đã có một quá trình chuẩn bị và thời gian để hoàn thành rất dài.

Vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, trong đó trục lộ giao thông chính cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây vừa đưa vào khai thác.

Việc đầu tư giai đoạn 1 của Dự án sẽ giúp giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của Dự án mới hoàn thành, đưa vào khai thác, khi đó Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã quá tải, do vậy, việc tiến hành đầu tư tại thời điểm này là phù hợp.

Trong quá trình triển khai xây dựng Cảng HKQT Long Thành, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa, khai thác có hiệu quả Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nhấn mạnh việc Cảng HKQT Long Thành có tiềm năng để phát triển thành Cảng trung chuyển quốc tế, tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, để trở thành Cảng hàng không trung chuyển quốc tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần phải có các chính sách đồng bộ về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục xuất, nhập cảnh, hải quan... đồng thời áp dụng các công nghệ vào quản lý, điều hành bay, làm tốt các dịch vụ hậu cần hàng không để thu hút khách quốc tế và các hãng hàng không đến Việt Nam và coi đây là cầu nối trung chuyển hành khách và hàng hóa của khu vực và thế giới.

Do dự án có quy mô thu hồi diện tích lớn và tác động đến nhiều hộ dân, tổ chức nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm công tác di dân tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã thực hiện để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời xem xét, quyết định việc thu hồi đất một lần 5.000 ha đối với Dự án theo cơ chế đặc thù, giao Chính phủ có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả đất chưa sử dụng, tránh tình trạng để đất trống, lãng phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.