Thị trường

Thời doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng”

16/08/2020, 07:23

Dịch Covid-19 bùng phát lần 2 giống một nhát búa tạ giáng xuống những doanh nghiệp vốn chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần đầu.

img
Hơn 50% máy móc của Công ty Thời trang Thảo Quyền Quý phải dừng hoạt động để tiết kiệm điện và giảm nhân công

Cắt giảm: đau vẫn phải làm!

Hơn nửa tháng trước, xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Thời trang Thảo Quyền Quý lúc nào cũng nhộn nhịp 4 tổ máy hoạt động với hơn 100 công nhân liên tục bám chuyền. Ấy vậy nhưng những ngày giữa tháng 8 này - khi hoạt động sản xuất vụ Thu Đông đang bước vào cao điểm thì tại phân xưởng, hàng dài máy móc được phủ kín, bên cạnh là những chồng vải đã cắt sẵn nhưng chưa biết bao giờ được may thành phẩm.

Nhớ lại khi có thông báo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 7, ông Nguyễn Huy Chức, chủ doanh nghiệp cho biết, ông đã lặng người khi nhận hàng chục cuộc điện thoại tới tấp hủy đơn hàng. “70% đơn hàng may mặc của tháng 8 và tháng 9 đã bị hủy, những đơn hàng đang đàm phán ký hợp đồng cũng bị dừng lại”, ông Chức buồn bã.

Theo ông Chức, sau khi “chết hụt” trong đợt dịch trước, thử thách với doanh nghiệp càng căng thẳng trong bối cảnh mang sẵn trong mình nhiều “bệnh nền”. Hơn nữa, đợt dịch lần này có nhiều ca tử vong cũng tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng.

Do vậy, các doanh nghiệp đều lo ngại sức mua chưa kịp phục hồi sẽ bị nhấn chìm thêm một lần nữa. “Khó khăn lắm nhưng vẫn phải khuyến mãi, giảm giá kịch sàn sau dịch. Nhưng đến khi hàng vừa nhúc nhắc bán ra, đơn hàng về thì dịch bệnh lại bùng phát”, ông Chức thở dài.

Song cũng không thể chọn cách “ngủ đông” như lần giãn cách xã hội trước đó, bởi DN đã phải mất nhiều năm gây dựng thương hiêu thời trang nam TQQ, một khi đã “ngủ” thì không dễ gì “dậy” nổi. Do vậy, theo ông Chức, trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa thực sự đến tay doanh nghiệp, thì việc cắt giảm tối đa tất cả chi phi cố định là điều duy nhất có thể làm lúc này.

Nếu như trước đây, người lao động nghỉ việc vì Covid-19 sẽ được công ty phát nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ… mỗi tuần, nhưng đợt dịch này chính sách trợ cấp chắc chắn phải cắt giảm.

Cùng với đó, công ty cũng giảm từ 4 tổ máy xuống còn 2 tổ máy; 100 công nhân còn 70 chia nhau làm việc theo ca. “Nếu tiếp tục hoạt động như trước, những người còn lại có thể cũng sẽ không còn việc làm. Công suất hiện tại là tối thiểu nhất để vừa có thể giữ nhân công, vừa hoạt động máy móc, lại lên chiến lược dự phòng mới. Mọi nguồn lực tài chính cuối cùng đều huy động hết vào đợt này nên nếu “chết” là khó có thể gượng dậy nổi”, ông Chức nói.

Mặc dù đã “thắt lưng buộc bụng”, xoay xở tối đa, song theo đánh giá của ông Chức, không như đợt dịch trước đó chỉ có doanh nghiệp nhỏ, đuối sức mới bị đào thải, đợt dịch thứ 2 này nếu không được kiểm soát sớm, nhiều doanh nghiệp lớn có khả năng cũng “chết”.

Bởi vậy, ông Chức tha thiết mong Chính phủ có quyết sách nhanh, dứt khoát; Nới lỏng mọi ràng buộc để cứu doanh nghiệp như những gói vay miễn lãi suất hoặc giảm lãi suất, giảm thuế và rút ngắn thời gian vay vốn, thủ tục pháp lý…

Bán máy móc thu hồi vốn

Sau khi đã chớp thời cơ đầu tư sang phân khúc thị trường cao cấp hơn khi nhận thấy hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi qua đợt dịch đầu tiên, ông Dương Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất két sắt Việt Tiệp và An toàn kho quỹ (Đại Từ, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) buồn bã chia sẻ về sự sụp đổ chóng vánh của kế hoạch.

Theo ông Đông, ban đầu, hàng trăm két sắt cho phân khúc này đã ra đời và đón nhận tích cực từ thị trường nhưng đợt dịch lần này đã “bẻ gãy” đà tăng trưởng, để lại một con số thiệt hại có thể thấy trước.

Doanh nghiệp đang chịu tác động kép từ làn sóng dịch lần 2, nếu xét theo ngành nghề thì sự tác động sẽ không nhiều thay đổi so với trước đó bởi trên thế giới làn sóng này vẫn diễn biến phức tạp. Cơ hội tiếp tục được trao cho những doanh nghiệp đã chuyển mình được trước đó để tận dụng cơ hội nhưng đó là con số nhỏ… Bởi lẽ đó, chúng ta sẽ tiếp tục đối diện với con số khai tử tăng chóng mặt.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN

“Mặc dù mức độ giãn cách không triệt để như đợt trước, song tâm lý e ngại vẫn bao trùm khắp xã hội do lo sợ dịch kéo dài. Người dân đã chủ động tiết giảm chi tiêu khiến nhiều hoạt động kinh tế lâm vào đình trệ, những sản phẩm không thiết yếu như két sắt khó có “cửa” xoay chuyển tiếp”, ông Đông nhận định.

Không còn khẳng định sẽ là chiến lược “bom tấn” trong tương lai gần như trước đây, ông Đông hạ kỳ vọng cho sản phẩm này về mức có thể tồn tại khi kinh phí ngày càng eo hẹp. Sản phẩm sản xuất với tiêu chí thép 10 - 12 ly 100%, đảm bảo độ an toàn tuyệt đối. Nhưng công nghệ cần hiện đại, kéo theo chi phí sản xuất lớn, giá thành cao, cũng đồng nghĩa với việc thiệt hại lớn nếu tình trạng dịch kéo dài.

Cuộc trò chuyện với PV Báo Giao thông tạm dừng vì ông Đông có điện thoại gọi đến. Sau một hồi trao đi đổi lại, ông Đông thở dài, mặt tỏ vẻ sự tiếc nuối khi phải ra quyết định bán bớt một nhà xưởng để lấy chi phí duy trì nhà xưởng còn lại.

Ông kể: Làng Đại Từ nổi tiếng với nghề rèn, trong đó có sản xuất két sắt. Bình thường chỉ đến đầu làng, cảnh tượng quen thuộc thường thấy là tấp nập xe cộ mua bán, tiếng máy cắt, máy mài vang khắp xóm làng. Song, 3 tháng nay cảnh tượng yên ắng đến sởn gai ốc mà một người nhiều năm trong nghề như ông chưa bao giờ chứng kiến.

“Xưởng thì đóng cửa chờ bán, xưởng chờ vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư, xưởng thì “hụt hơi” phải cắt giảm… Hầu hết đều chịu tác động mạnh”, ông Đông nói và cho rằng, đợt dịch lần này ập đến như nhát búa chí tử trút xuống doanh nghiệp vốn đang yếu nên sẽ có ít nhất 50% cơ sở sản xuất sẽ không thể gượng thêm.

Theo ông Đông, gần một tháng nay doanh nghiệp không có đơn hàng, lượng chi phí hoạt động mỗi tháng hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Két sắt Việt Tiệp cũng đã lỗ nhiều tỷ đồng khi hàng chất đống chưa bán được, nhưng máy móc vẫn phải chạy để giữ nhân công và giảm hỏng hóc, tiền vốn xoay vòng hay quỹ phòng rủi ro gần như cạn kiệt. Nếu không quyết định táo bạo, chấp nhận thu hồi vốn thì sẽ sớm mất trắng cơ đồ.

Hiện tại, số công nhân còn 20 người, giảm đến 60% so với trước, mức lương cũng giảm xuống mức tối đa khi cắt giảm mọi trợ cấp. Trong khi, máy móc thiết bị cũng đành “đắp chiếu” nên Công ty đã quyết định rao bán số máy không hoạt động dù biết sẽ bị ép giá trong thời điểm này nhưng dù gì cũng còn có thêm khoản vốn duy trì thêm thời gian hoạt động khi đầu ra không có.

“Mấy hôm nay, nhiều lượt người đến mua máy, nhưng giá rẻ quá so với đầu tư nên tôi vẫn gắng để thỏa thuận giá cao hơn. Trước mắt, số tiền bán máy có thể giúp doanh nghiệp trụ được khoảng vài tháng, còn hơn nữa thì chúng tôi chưa biết sẽ như thế nào”, ông Đông trải lòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.