Tài chính

Thổi hồn vào đất lưu giữ tinh hoa gốm cổ triệu đô

25/06/2023, 06:35

Gốm Chu Đậu nổi tiếng là đồ dùng của vua, quan ngày xưa. Có chiếc bình cổ đang được đấu giá cả triệu đô.

Sau hơn 500 năm thất truyền, dòng gốm cổ Chu Đậu, di sản của một làng quê yên ả nằm bên tả ngạn sông Thái Bình thuộc thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương đang được nghệ nhân Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu phục chế, phát triển, từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Biến đất thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị

img

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Thôn (bên phải) giới thiệu với tác giả các công đoạn thực hiện mẫu Rồng kim tiền

Tại một góc yên tĩnh trong khuôn viên Công ty CP Gốm Chu Đậu, nghệ nhân Nguyễn Đăng Thôn miệt mài chau chuốt mẫu Rồng Kim Tiền (con rồng ngự trên mâm tiền vàng).

Từ chiếc sừng, đến móng, bộ râu hay vân, vảy con rồng đều được tỉa tót chi tiết, sống động. Tay người nghệ nhân nhẹ nhàng xoay chiếc bàn gỗ, mẫu gốm theo đó quay tròn.

Mẫu quay đến đâu, mắt anh dõi theo đến đó, tìm cho kỳ được chi tiết thừa, với mong muốn cho ra một tác phẩm để đời.

Anh Thôn chia sẻ, mẫu này được anh chuẩn bị cho thị trường quà tặng năm mới Giáp Thìn 2024. Ý tưởng sản phẩm này do anh tự xây dựng với lời chúc may mắn, thành đạt.

Sản phẩm tạo hình xong sẽ phải đưa ra hội đồng thẩm định. Lọt qua vòng này, bức mẫu sẽ được mang đổ khuôn để sản xuất hàng loạt.

Cùng trong khuôn viên công ty, gian trưng bày khoảng 5.000m2 với hơn 1.000 sản phẩm nườm nượp khách tham quan.

Sản phẩm được sắp xếp khoa học với nhiều nhóm hàng: Đồ thờ, lọ hoa, đồ gia dụng... Được khách hàng quan tâm nhiều nhất vẫn là những mẫu bình cổ men rạn như: Hoa Lam, Tỳ Bà, Thiên Nga... được phục chế nguyên mẫu qua những hình ảnh ở các bảo tàng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chị Hoàng Thu Hà, một khách tham quan chia sẻ, gốm Minh Long thường được nhận diện qua màu men trắng, gốm Bát Tràng thường nhẵn trơn, mẫu mã khá “Tây” thì men Chu Đậu mang màu hơi ngà vàng.

Đặc biệt là có nhiều sản phẩm men rạn, cầm trên tay một sản phẩm vừa ra lò mà khách hàng có cảm giác như cổ vật trăm năm được moi lên từ lòng đất!

“Bình vôi, hộp nhổ cũ kỹ này khiến tôi nhớ tuổi thơ, nhớ hình ảnh bà ngoại têm trầu, nhai móm mém”, chị Hà chia sẻ.

Không riêng chị Hà, nhiều khách hàng khi đến Chu Đậu không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm thế kỷ, mà họ còn được tận thấy những nghệ nhân mải mê “thổi hồn vào đất”, khiến những hòn đất vô tri trở thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị.

Mỗi bức tượng, lọ hoa hay đơn giản là chiếc đĩa, bát ăn tại đây đều như hiện diện hơi thở cuộc sống.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện

img

Ba sản phẩm Chu Đậu gồm Bình Hoa Lam (bên phải), bình Tỳ Bà (trái) và đĩa gốm (giữa) xác lập kỷ lục có kích thước lớn nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Huy Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty Gốm Chu Đậu chia sẻ, mỗi tác phẩm của Chu Đậu là một câu chuyện. Qua đó, phần nào hình dung về đời sống văn hóa, tinh thần, khát vọng của người xưa.

Đơn cử bình gốm 4 con chim thiên nga, bình gốc ra đời khoảng thế kỷ XV, được vớt từ đáy đại dương Cù Lao Chàm, hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Thân bình vẽ 4 tư thế khác nhau của thiên nga như thể hiện 4 ước nguyện trên con đường xuất ngoại thời kỳ Lê sơ: Chim đang bay (phi) biểu hiện cho sự thăng tiến, phát đạt; chim đang hót (minh) biểu hiện tiền đồ quang minh, xán lạn; chim đang ngủ (túc) là cuộc sống sung túc, đầy đủ, dư ăn, dư để; chim đang ăn (thực) biểu hiện cuộc sống phải có sự lao động mới có ấm no.

“Hay như bình Hoa Lam này, hoa cúc đóa được lấy làm họa tiết chính là biểu trưng cho người “chính nhân quân tử”. Trên vai bình là họa tiết sắc phong, quân hàm, quân hiệu, lệnh bài vua ban thể hiện địa vị của người đàn ông trong xã hội.

Dây leo uốn lượn xung quanh hoa ý rằng, phía sau người đàn ông thành đạt là bóng dáng của người phụ nữ. Bình Hoa Lam ra đời từ những năm 1450, đến nay đã 573 năm, nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị”, ông Kiên giới thiệu.

Giá trị văn hóa trong tác phẩm chính là chất liệu tạo ra thế đứng riêng cho Chu Đậu trên thị trường. Trước đây nói đến gốm, người ta nói nhiều đến Bát Tràng, Bàu Trúc, Thanh Hà, thì nay, nhiều cửa hàng dành vị trí đắc địa nhất để trưng bày Chu Đậu.

Ông Nguyễn Huy Kiên cho biết, doanh nghiệp có 10 đại lý trên toàn quốc và có mặt trên hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Đó là chưa tính các cửa hàng nhập về bán và đặt hàng quà tặng. Ước tính doanh thu mang về từ gốm mỗi năm hơn 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, với thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.

Tái hiện, gìn giữ và phát triển gốm cổ triệu đô

Ông Kiên nhớ lại ngày đầu xây dựng doanh nghiệp, tất cả vào nghề với đôi bàn tay trắng, với 20 lao động không có kinh nghiệm, vẽ những nét vẽ ngô nghê, nguệch ngoạc.

Ngay bản thân ông sinh ra tại Chu Đậu nhưng không biết về truyền thống nghề gốm tại quê hương.

Công ty đã mời nhiều chuyên gia, nghệ nhân từ nhiều nơi đến đào tạo nhưng không thành công. Những sản phẩm cho vào lò nung ra đều trở thành phế phẩm. Rồi chính những nghệ nhân, những người con đất Chu Đậu lại kiên trì tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tìm ra “chìa khóa thành công”.

Ông Kiên dẫn chứng, bình Hoa Lam phải mất 10 năm mới hoàn thiện như ngày nay, cân đối tròn trịa và tinh xảo. Trước đó, hễ nung ra lò là cổ đổ nghẹo sang một bên. Cho đến khi tìm được phối liệu phù hợp mới giữ được dáng. Nếu tính theo thời gian, 20 ngày để ra đời 1 thế hệ sản phẩm, thì bình Hoa Lam đã ra lò 182 mẻ không trọn vẹn.

Ông Kiên cũng nhớ như in ngày đầu doanh nghiệp chập chững bước đi. Ông kể, Chu Đậu là đồ ngự dụng, quan dụng (đồ dùng của vua, quan sử dụng) do đó lãnh đạo Công ty CP Gốm Chu Đậu (lúc đó là Hapro) xác định phát triển sản phẩm theo hướng cao cấp, hạng sang.

Nhưng giai đoạn đầu khó khăn, doanh nghiệp phải lấy ngắn nuôi dài, xuất khẩu chậu hoa, sản phẩm đơn giản, rẻ tiền. Kinh doanh lỗ vẫn phải duy trì sản xuất để tạo công ăn việc làm cho anh em. Sau này, khi doanh nghiệp phát triển mạnh, những hàng rẻ tiền không sản xuất nữa.

Ông Kiên khoe, hiện sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời trưng bày tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 nước trong khu vực và thế giới.

“Bình Hoa Lam trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray được xác định cổ nhất, ra đời năm 1450. Trong những cuộc bán đấu giá, chiếc bình gốm cao 54cm này được trả giá tới 1 triệu USD. Bình Chu Đậu cũng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn làm quà tặng lưu niệm trong nhiều cuộc gặp đối ngoại. Đây là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng thôi thúc, thậm chí là áp lực để chúng tôi gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa Việt trong gốm cổ Chu Đậu”, ông Kiên nói.

Gốm Chu Đậu nổi tiếng có từ thế kỷ XIV - XV, nhưng do nhiều biến thiên lịch sử đã có lúc bị vùi sâu vào quên lãng.

Gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở hai con tàu bị đắm ở vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997 với hơn 340 nghìn hiện vật.

Năm 2014, TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành đã chủ trì cuộc khai quật lớn nhất từ trước đến nay ở làng Chu Đậu. Tại hai hố đào rộng 100m2, đoàn khai quật thu được gần 7.800 hiện vật. Quan trọng hơn là lần này phát hiện dấu tích lò nung gốm Chu Đậu chuyên sản xuất gốm gia dụng với ba dòng chính là gốm men ngọc, hoa lam và men trắng. Trong đó, nhiều sản phẩm gốm men ngọc từng được sử dụng trong Hoàng cung ở Thăng Long.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.