Đời sống

Thói quen ăn uống sướng miệng, vạ thân

26/03/2019, 07:08

Không chỉ nhiễm ấu trùng sán lợn, mọi người có thể nhiễm sán lá gan, liên cầu khuẩn lợn vì thói quen ăn tiết canh, thịt tái, rau sống...

img
Sán dây lợn được xổ ra ngoài sau khi bác sĩ chỉ định uống 1 liều thuốc điều trị sán

Nhiễm sán vì tiết canh và rau sống

Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Phú Thọ vừa điều trị cho bệnh nhân Hà Đăng Nh. (40 tuổi, quê ở xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị nhiễm ổ sán khủng trong não. Bệnh nhân nhập viện sau khi xuất hiện các dấu hiệu đau đầu nhiều, buồn nôn kèm theo sốt tăng dần, tê yếu 1/2 người phải. Kết quả chụp CT sọ não thể hiện ổ sán ở bán cầu trái và vùng thái dương đỉnh phải. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật, lấy ra cả ổ nang sán. Sau mổ 10 ngày, bệnh nhân đã hồi phục, tỉnh táo và chia sẻ bản thân có sở thích ăn tiết canh, thịt chua, nem chạo, rau sống….

Theo BSCKII Hà Xuân Tài, Phó Khoa Ngoại thần kinh, BV Đa khoa Phú Thọ, kén sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh do ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở người gây ra. Bệnh kén sán não nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

“Bệnh gặp chủ yếu nơi có mức sống thấp, điều kiện vệ sinh môi trường kém, đặc biệt là ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín…”, BS. Tài cho biết.

Tại BV Đa khoa Medlatec, đầu tháng 3, bệnh nhân Vũ Đăng Kh. (37 tuổi, Hà Nội) cũng bất ngờ phát hiện nhiễm sán lá gan lớn trong một lần đi khám bệnh gout và kết quả xét nghiệm xuất hiện một số chỉ số bất thường. PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc, chuyên khoa Gan mật của BV Medlatec cho biết, bệnh nhân có chia sẻ trước đó rất hay ăn rau sống. Chính thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...), ăn các đồ chưa nấu chín như gỏi, tiết canh, hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán, từ đó sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú ở gan sẽ dễ tạo nên các ổ áp-xe gan. Bệnh nhân này may mắn phát hiện sớm nên việc điều trị không khó khăn.

Tuy nhiên, nếu để ấu trùng sán xâm nhập, sau một thời gian 2 - 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán trưởng thành có thể chui vào đường mật tiếp tục phát triển và đẻ trứng ở đấy và suốt trong thời gian dài (khoảng 10 năm), nếu không được điều trị sẽ dẫn đến ung thư đường mật. Ngoài ra, có một số rất ít trường hợp ấu trùng di chuyển lạc chỗ, không đến gan mà đến một số cơ quan khác (da, cơ, vào khớp, thành dạ dày, đại tràng…) và gây bệnh ở đó.

Làm sao để phát hiện sớm sán?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện phác đồ điều trị sán có thể diệt sán trưởng thành sau một ngày uống thuốc. Điều trị ấu trùng sán cần dài ngày hơn, thường hai tuần, cũng có thể kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày. Người nhiễm ấu trùng sán lợn phải chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương.

Cũng theo BS. Ngọc, có nhiều kỹ thuật để xác định người bệnh có nhiễm sán hay không. Ví như để chẩn đoán người bị (đang có) sán dây lợn trong ruột thì cần làm xét nghiệm soi phân để tìm đốt sán và trứng sán dây lợn và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để xem tỷ lệ bạch cầu ưa axit (khi trên 7% là có ý nghĩa chẩn đoán). Với mục đích phát hiện người có bị nhiễm ấu trùng và trứng sán dây lợn (trong quá khứ hoặc hiện tại) thì nên làm xét nghiệm ELISA với lgM (sau nhiễm khoảng 1 - 3 tuần), hoặc IgG (sau nhiễm khoảng 4 tuần và có thể tồn tại khá dài).

Còn theo BS. Bùi Vũ Huy, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, khi bị nhiễm giun sán, cơ thể thường có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, nôn và buồn nôn... Nếu thường xuyên ăn thực phẩm sống, vi khuẩn và các loại ký sinh trùng như giun, sán có thể vào cơ thể con người, gây ngộ độc cấp tính hoặc nhiễm trùng mạn tính. Những ký sinh trùng sống ký sinh trong cơ thể người sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng và gây tổn thương niêm mạc ruột làm rối loạn tiêu hóa, thiếu dinh dưỡng và có thể thiếu máu mạn tính. Ấu trùng sinh ra từ các loại ký sinh trùng đường ruột có thể lưu thông trong máu đến các cơ quan khác như phổi, não, gan, mắt... và gây tổn thương các cơ quan này, có khi dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

BS. Ngọc cũng khuyến cáo: “Để phòng ngừa nhiễm các loại sán như: Sán lá gan, sán dây lợn hay ấu trùng sán lợn… mọi người cần lưu ý không ăn các loại thịt, cá tái, gỏi sống hay tiết canh; không ăn sống các loại rau thủy sinh như: Rau ngổ, cần, cải xoong… không uống nước lã, không ăn gan sống. Cần ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước”.

Bên cạnh đó, theo BS, Huy, ở nước ta, môi trường ngoại cảnh thường bị ô nhiễm nặng nề với các mầm bệnh giun sán và đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái nhiễm giun sán trở lại. Do vậy, mỗi người cần phải điều trị tẩy giun sán định kỳ. Đối với trẻ em, việc tẩy giun định kỳ khi trẻ được 24 tháng tuổi trở lên. Đối với các loại giun sán cần dùng thuốc điều trị dài ngày thì phải hỏi ý kiến của bác sĩ, không nên tự mua thuốc về uống.

“Các gia đình nên có kế hoạch uống thuốc tẩy giun sán định kỳ tối thiểu từ 6 - 12 tháng một lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra. Thuốc chữa giun sán không đắt tiền và không hiếm có nên chủ động mua và sử dụng theo định kỳ, đúng hạn”, BS. Huy cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.