Bạn cần biết

Thoi thóp mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

28/07/2016, 13:02

Qua ba năm thí điểm, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) vẫn phát triển ì ạch.

Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội.  Ảnh Hoàng Anh

Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh

Được đánh giá như người “gác cổng” trong hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, tuy nhiên qua ba năm thí điểm, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) vẫn phát triển ì ạch.

Gian nan phát triển bác sỹ gia đình

Thành lập cách đây 5 năm, Trung tâm BSGĐ Hà Nội (tư nhân) được đánh giá hoạt động có hiệu quả với lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Tá Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Để tồn tại được trong suốt thời gian dài với một đơn vị tư nhân là vô cùng gian khó. Đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm luôn phải đảm bảo từ chất lượng chuyên môn, dịch vụ, kỹ thuật rộng mà còn cần sự tận tâm với nghề, với bệnh nhân”. Ông Dũng cho hay, điện thoại của ông luôn hoạt động 24/7, bất kể giờ giấc, thời tiết ra sao, bệnh nhân gặp vấn đề gì gọi hay nhắn tin đều được ông sẵn sàng tư vấn, xếp lịch thăm khám.

Mỗi ca khám được trung tâm quy định đón tiếp bệnh nhân không dưới 30-45 phút. BS. Dũng cho biết: “Đó là một ưu điểm khi tìm đến với BSGĐ mà hầu hết các bệnh viện công đều không thể đáp ứng do tình trạng quá tải. Ngoài việc thăm khám, BSGĐ luôn dành thời gian tư vấn cho bệnh nhân”. Do vậy, có trường hợp người bệnh tìm đến trung tâm sau khi nhiều lần đi khám và điều trị tại các khoa chuyên môn Thần kinh, rồi Tâm thần ở các bệnh viện lớn, bệnh không hết mà sức khỏe người bệnh suy giảm nhiều hơn.

Khi BS. Dũng được mời tới nhà khám, qua thời gian tìm hiểu gia cảnh, trò chuyện với người nhà bệnh nhân, ông phát hiện ra nguyên nhân là do áp lực sinh con trai từ gia đình nhà chồng. Với việc tư vấn tâm lý không chỉ cho bệnh nhân mà cả người nhà nên trường hợp này “không cần đến thuốc, bệnh cũng tự đi”.

Mặc dù có những thành công nhất định, nhưng BS. Dũng cho rằng, còn rất nhiều hạn chế để mô hình BSGĐ có thể đạt được như kỳ vọng. Nhiều người dân chưa thực sự đánh giá đúng chuyên môn của BSGĐ. Bên cạnh đó, mặc dù được áp dụng thanh toán BHYT nhưng lại bị hạn chế như tiền viện phí, thuốc chỉ trong giới hạn khoảng dưới 180 nghìn đồng/người hoặc không thanh toán chi phí sử dụng các dịch vụ “công nghệ cao” như siêu âm đầu dò, chụp X-quang… Hay như việc chuyển tuyến còn rất gian nan.

“Hầu hết các bệnh nhân nặng, cần phẫu thuật, trung tâm chuyển lên tuyến trên đều nhờ “mối quan hệ riêng”. Rồi sau đó, chúng tôi chủ động tự liên hệ với bệnh nhân, bác sĩ điều trị để theo dõi, cập nhật thông tin của người bệnh. Rất khó khăn”, ông Dũng nói và chia sẻ thêm, mục đích lớn nhất của mô hình là quản lý khám, chữa bệnh theo hộ dân cư thì trung tâm chưa thực hiện được.

Đồng tình với ý kiến về những khó khăn trên, BS. CKII Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ thêm, với các cơ sở công lập thì cơ chế chính sách, nhân lực cũng là yếu tố gây hạn chế. Ông Sơn cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hai phòng khám BSGĐ do một bác sĩ được đào tạo chuyên khoa BSGĐ phụ trách. Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chủ yếu là vận động bác sĩ sinh ra, lớn lên từ địa bàn. Do vậy, “việc giữ chân đội ngũ bác sĩ này gắn bó với phòng khám BSGĐ cũng chưa ổn định”, ông Sơn nói.

Kỳ vọng cao nhưng hiệu quả thấp

Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các phòng khám BSGĐ được tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với phạm vi hoạt động khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình cùng cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Việc thành lập các phòng khám BSGĐ cũng là một trong những giải pháp giảm quá tải với các bệnh viện tuyến trên. Từ năm 2013, Bộ Y tế thí điểm phòng khám BSGĐ tại 8 tỉnh, thành phố, đến tháng 6/2016, đã phát triển được 332 cơ sở.

Ông Tường khẳng định: “Nếu mô hình phòng khám BSGĐ hoạt động hiệu quả thì có thể như "người gác cổng" cho hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Không những giúp giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật, giảm tải bệnh viện tuyến trên mà còn giúp người dân được chăm sóc, theo dõi bệnh tật từ khi trong bào thai tới về già, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian khám, chữa bệnh”.

Trong khi đó, đánh giá về mô hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Đây sẽ là mô hình chăm sóc toàn diện, gần dân nhất, đảm bảo giảm chi phí, tăng chất lượng”.

Mặc dù được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng sau ba năm hoạt động, hiệu quả của các phòng khám BSGĐ chưa được đánh giá cao bởi gặp nhiều bất cập trong cơ chế. Mà theo như ông Tường thừa nhận, trong quá trình hoạt động, mô hình còn gặp một số khó khăn như Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về danh mục dịch vụ tại phòng khám BSGĐ; Phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, tư vấn, sàng lọc chưa được thanh toán BHYT ngay cả đối với các trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT; Đồng thời, Bộ Y tế cũng chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân…“. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ phối hợp với các địa phương, ngành BHXH nhằm giải quyết bất cập để tiến tới mục tiêu phát triển phòng khám BSGĐ”, bà Tiến cho biết.

Góp ý giải pháp để phát triển mô hình này, Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam cho rằng: “Chỉ có đổi mới cơ chế cho y tế cơ sở mới có cơ hội phát triển, thu hút được bác sĩ về công tác. Một bác sĩ ở trạm y tế lương tháng chỉ 3,5-5 triệu đồng, trạm trưởng trạm y tế cũng không được mở phòng khám tư thì làm sao thu hút được bác sĩ về với xã?”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.