Showbiz

Thời trang thế giới hồi sinh nhờ “thẻ xanh vaccine”

23/09/2021, 06:14

Tuần lễ thời trang New York, Tuần lễ thời trang Paris, London, Milan… đã rục rịch trở lại sau hơn một năm trì hoãn do dịch Covid-19.

Sau hơn 1 năm đóng băng vì đại dịch Covid-19, các kinh đô thời trang hàng đầu thế giới ở Mỹ và châu Âu đã náo nhiệt hơn nhờ sự trở lại của các tuần lễ thời trang.

Những sàn diễn xa hoa, thiết kế lạ mắt khiến giới mộ điệu kỳ vọng làn gió mới cho ngành thời trang thế giới.

img

Show diễn của Saint Laurent tại Tuần lễ thời trang Paris

Áp dụng “thẻ xanh vaccine”

Từ trung tuần tháng 9, Tuần lễ thời trang New York, Tuần lễ thời trang Paris, Tuần lễ thời trang London, Tuần lễ thời trang Milan… đã rục rịch trở lại sau hơn một năm trì hoãn do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, một số hoạt động vẫn được kết hợp giữa online và trực tiếp để đảm bảo an toàn.

Kéo dài từ ngày 8 - 12/9, Tuần lễ thời trang New York đặt ra yêu cầu cao khi Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) làm việc cùng với công ty quản lý người mẫu IMG Models để đảm bảo rằng chỉ những người đã tiêm chủng mới có thể tham dự sự kiện.

Theo đó, bất kỳ ai tham dự các buổi trình diễn sẽ phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng và khách dưới 16 tuổi sẽ chỉ được phép tham dự với kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Trước đó, IMG Models cũng lưu ý rằng, ngày 2/8 là ngày cuối cùng nhận liều vaccine Pfizer hoặc Moderna đầu tiên.

Ngày 23/8 là hạn chót để tiêm liều thứ hai. Người tham dự phải hoàn thành toàn bộ liệu trình ít nhất 14 ngày trước khi tuần lễ thời trang khai mạc.

Thông báo này được đưa ra ngay sau khi thành phố New York quy định người dân sẽ phải có chứng nhận tiêm chủng để được vào phòng tập gym, nhà hàng và các không gian trong nhà khác.

Tương tự, Tuần lễ thời trang London diễn ra từ ngày 17 - 21/9 cũng phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để có một mùa lễ hội an toàn. BTC cũng áp dụng quy định “thẻ xanh vaccine” đối với bất kỳ ai tới dự sự kiện.

Theo AFP, tất cả nỗ lực này của BTC được cho là sẽ vực lại ngành công nghiệp thời trang sau thời gian dài rơi vào bế tắc.

Với riêng Tuần lễ thời trang London, Hội đồng thời trang nước này tin rằng, sự kiện sẽ “đánh dấu sự mở cửa trở lại văn hóa được mong đợi từ lâu của London và đưa ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trở lại Vương quốc Anh”.

Theo Oxford Economics, lĩnh vực thời trang có thể phục hồi nhanh hơn so với toàn bộ nền kinh tế Vương quốc Anh. Ước tính tăng trưởng hơn 25% vào năm 2025, sẽ đóng góp khoảng 132,1 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Anh, tăng hơn 28 tỷ bảng Anh so với năm 2020.

Đau đầu bài toán vận chuyển

img

Tuần lễ thời trang London trở lại với nhiều kỳ vọng từ giới chuyên môn

Thực tế, tuần lễ thời trang vốn được coi là công cụ quảng bá hữu hiệu cho các thương vụ bạc tỷ của các thương hiệu từ nhỏ đến lớn.

Đó còn chưa kể hàng loạt dịch vụ như: Thực phẩm, vận tải, du lịch, khách sạn… cũng sinh lời khi hàng trăm nghìn người đổ về các thành phố diễn ra sự kiện.

Theo London Runway, nhìn thấy thị trường “béo bở” sau mỗi tuần lễ thời trang, các nhà mốt không ngại chi tất tay để có một show diễn hoành tráng, tạo hiệu ứng mạnh.

Nhà thiết kế Christian Siriano từng tiết lộ, mỗi buổi trình diễn của mình tiêu tốn từ 125.000 - 312.000 USD. Trong đó, phần lớn ngân sách được dùng cho khâu thiết kế.

Trong khi đó, những thương hiệu lớn hơn như Ralph Lauren, Tommy Hilfiger có thể tốn gấp 3 - 5 lần tùy vào quy mô buổi diễn.

Năm nay, kinh phí cho mỗi show diễn chưa được tiết lộ cụ thể, nhưng theo trang Stuff, rất có thể con số này sẽ đội lên không nhỏ. Nguyên nhân vì các nhà mốt phải vật lộn với sự chậm trễ và kinh phí vận chuyển hàng quá lớn.

“Nguồn nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp Trung Quốc đã phải mất 6 tháng để vận chuyển đến nơi bằng đường biển. Ngoài ra, hóa đơn giao hàng cũng khiến nhiều thương hiệu khóc ròng”, Stuff cho hay.

Laurian Godwin - chủ sở hữu của thương hiệu Wellington Silk Living tiết lộ với Stuff rằng, cước vận chuyển bằng đường hàng không cho một đơn hàng trung bình từ Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần lên đến 4.500 USD. Còn chi phí vận chuyển bằng đường biển ít nhất đã tăng gấp đôi.

Cũng vì lý do vận chuyển và sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, Tuần lễ thời trang New Zealand buộc phải trì hoãn trong khi nhiều nơi đã tấp nập trở lại.

Nhiều “ông lớn” vắng mặt, cơ hội chào hàng cho các thương hiệu nhỏ

Theo Forbes, năm nay, hàng loạt “ông lớn” đồng loạt bỏ qua cuộc chơi náo nhiệt này. Đơn cử, Ralph Lauren, Michael Kors, Coach, Tory Burch không tham gia Tuần lễ thời trang New York. Burberry, Victoria Beckham vắng mặt ở Tuần lễ thời trang London. Gucci, St. Laurent, Bottega Veneta và Alexander McQueen ở Milan cũng bỏ qua Tuần lễ thời trang Paris.

Trong khi đó, hàng loạt thương hiệu mới đồng loạt xông lên. Tuy nhiên, đúng thời điểm khó khăn kinh tế, đây rõ ràng là áp lực đè nặng lên những nhãn hàng còn non trẻ, chưa có bề dày kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, Olya Kuryshchuk - nhà sáng lập thương hiệu Granary and Child lại cho rằng, tuần lễ thời trang sẽ mở ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu nhỏ, phát triển độc lập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.