Showbiz

Thời trang Việt xuất ngoại: Nâng tầm hay chỉ là quảng cáo?

28/09/2016, 08:31

NTK Minh Hạnh đã trở thành NTK Việt đầu tiên được trình diễn BTS của mình tại Bảo tàng Albert Kahn (Pháp).

BST Hương Sắc Việt mà NTK Lan Hương giới thiệu tại
Bộ sưu tập “Hương sắc Việt” mà NTK Lan Hương giới thiệu tại Bắc Kinh

Ngày càng nhiều những bộ sưu tập (BST) mang đậm hơi thở Việt được mang đi trình diễn tại nước ngoài trong các tuần lễ thời trang. Điều này liệu có chứng tỏ thương hiệu Việt đang được nâng tầm hay chỉ là một chiêu trò PR của nhà thiết kế (NTK)?

Thời trang Việt “chào sân” thế giới

Thời gian gần đây, làng thời trang Việt liên tục đón những tin vui khi có nhiều BTS thời trang của các NTK Việt được trình diễn và giới thiệu tại thị trường nước ngoài. Mới đây, NTK Minh Hạnh đã trở thành NTK Việt đầu tiên được trình diễn BTS của mình tại Bảo tàng Albert Kahn (Pháp). Trước đó, chỉ duy nhất thương hiệu thời trang Hermes mới được tổ chức show diễn tại đây. Được biết, show diễn này được tổ chức nhờ bà Anoa Dussol - một phụ nữ Pháp gốc Việt từng lập nghiệp tại Việt Nam, có mong muốn xây dựng một không gian Việt Nam trong lòng nước Pháp với ý định phát triển bản sắc văn hóa Việt ra thế giới. Ý tưởng này của bà đã được sự ủng hộ của chính quyền Pháp và Việt Nam. Và BST Hơi thở núi rừng Việt Nam của NTK Minh Hạnh đã được lựa chọn.

NTK Lan Hương cũng vừa có màn “chào sân” thuận lợi tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với BST áo dài độc đáo mang tên Hương sắc Việt. BST được trình diễn trong chương trình nghệ thuật và thời trang đặc biệt mang tên Duyên dáng Việt Nam. Trước đó, BST Lúa của NTK Công Trí cũng từng gây tiếng vang khi được trình diễn và giới thiệu tại Tokyo Fashion Week 2016 vào giữa tháng 3 vừa qua. Lúa lấy cảm hứng từ những hạt lúa và những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, được khen ngợi bởi mang đậm quốc hồn, quốc túy trong từng mẫu thiết kế.

Thực tế, việc đưa các BST Việt trình diễn tại nước ngoài vốn không phải điều mới mẻ. Những cái tên như: Đức Hùng, Lý Quý Khánh, Phương My, Lý Giám Tiền, Nguyễn Quang Việt… đã được vang lên ở nhiều tuần lễ thời trang nổi tiếng tại các kinh đô thời trang của thế giới như: London, Milan, Paris, New York, California...

NTK Lan Hương đánh giá, đây là tín hiệu tốt cho ngành Thời trang Việt Nam nói chung và các NTK Việt Nam nói riêng. Bởi, để đưa được một BST ra nước ngoài trình diễn không phải chuyện dễ vì phải đầu tư rất nhiều về kinh phí và chất lượng của mỗi BST.

Chỉ là chiêu trò PR?

NTK Lan Hương cho biết, hầu hết các NTK đưa trang phục ra nước ngoài trình diễn, không phải ai cũng đưa thời trang vào được những chương trình lớn mà thường là chỉ ở những chương trình nhỏ lẻ nên chưa nhận được sự quan tâm của công chúng cũng như người yêu thời trang trên thế giới. Không chỉ vậy, sự cẩu thả, thiếu ý tưởng và cóp nhặt sao chép chính là những rào cản khiến thời trang Việt không thể có bước tiến xa ra thị trường thế giới. Hiện tại, thời trang Việt vẫn chưa có tên trên bản đồ thời trang thế giới.

“Nhiều NTK Việt Nam đưa thời trang ra trình diễn ở nước ngoài chủ yếu để làm PR trong nước. Những chương trình ghép vào lễ hội nhỏ lẻ, không có ý nghĩa nhưng khi về nước lại làm truyền thông rất mạnh. Nhìn ở góc độ nào đó thì đây là một cách đầu tư riêng cho thương hiệu, nhưng như vậy rất tốn kém và không hiệu quả khi muốn đưa thời trang Việt ra thế giới”, NTK Lan Hương chia sẻ.

Theo NTK Lan Hương, việc PR thương hiệu sản phẩm bằng cách này có hiệu quả với một số NTK chưa đủ tầm và tài, dù chi phí để làm chương trình ở nước ngoài khá lớn. Tuy nhiên, với những NTK thực sự có tầm và tài thì cách này lại thiếu hiệu quả. Vì họ đưa thời trang Việt ra thế giới là mong tìm một hướng đi để vẽ tên thời trang Việt lên bản đồ thời trang thế giới chứ không phải để làm PR trong nước.

Khác với quan điểm của NTK Lan Hương, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam có cái nhìn tích cực hơn với việc này. Anh cho rằng, việc các NTK có show diễn dù to hay nhỏ tại nước ngoài cũng đều là một tín hiệu phát triển của thời trang Việt Nam. Những BST có thể mang ra nước ngoài trình diễn, dù nhằm mục đích PR hay bất cứ mục đích gì thì cũng là giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, đưa tên tuổi thương hiệu đến được với nhiều người.

Anh giải thích: “Dù có tìm được hay chưa tìm được khách hàng tại đây thì cũng là thời trang Việt đã và đang tiếp cận được với thị trường thế giới. Mục đích cuối cũng của thời trang vẫn là kinh doanh. Việc mang BST ra nước ngoài mà chỉ để làm PR trong nước thì tôi nghĩ cũng có, nhưng quan trọng là những NTK ấy đang có công việc kinh doanh rất phát triển vì ra nước ngoài thì phải bỏ kinh phí rất lớn. Như thế, để PR trong nước mà phải mang sản phẩm ra nước ngoài thì chắc phải giàu lắm”.

Mỗi nhà thiết kế đều có một lý tưởng, một mục đích riêng khi mang BST của mình ra giới thiệu trên thị trường thời trang thế giới. Nhưng rõ ràng, đây là một tín hiệu đáng mừng với làng thời trang sau bao năm chật vật.

Tuy nhiên, để có thể phát triển và nâng tầm được thương hiệu thời trang Việt trên thị trường thế giới thì còn phải một thời gian dài với nhiều điểm yếu cần khắc phục như lời của NTK Lan Hương và Đỗ Trịnh Hoài Nam: “Thứ cốt yếu vẫn là phải có phong cách riêng độc đáo và mang tinh thần dân tộc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.