Xã hội

Thôn nghèo có cầu mới, dân hết lo, nông sản hết đi đường vòng

25/07/2017, 20:44

Từ mùa mưa lũ năm nay, các hộ dân thôn Khe Gai không còn phải lo lắng bị cô lập khi nước lên nữa.

150095629790655-vov_cau-ngoi-hut-1

Có cầu bà con thôn Khe Gai đi lại thuận tiện hơn trước nhiều, nhất là vào mùa mưa lũ.

Cây cầu trên Ngòi Hút xuất hiện đã thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Có cầu treo, thu nhập trăm triệu

Ông Nguyễn Xuân Trường làm trưởng thôn Khe Gai gần 20 năm, chứng kiến bao thay đổi của thôn nghèo này. Nhưng nhắc đến cây cầu, ông Trường phải thốt lên: “Cây cầu dây văng kiên cố này là một niềm vui lớn của tôi và dân bản đấy”.

Trước đây, khi không có cầu, người dân thôn Khe Gia phải đi bằng mảng tre, bám theo dây. Đây là phương tiện đi lại không chỉ của các hộ dân trong thôn, mà dân các thôn ngoài cũng phải đi vào để làm nương, làm rẫy.

“Mà mấy cái mảng tre thì có an toàn đâu. Toàn bị trôi với lật thôi. Nước to chẳng ai dám đi cả. Nhiều khi đi vào mùa khô, vẫn bị lật cả xe máy xuống nước. Cả bản phải hò nhau đi mò vớt lên”, trưởng bản kể lại.

Với các cháu học sinh, cứ nước lên là tự động được cho nghỉ học vì không biết đi lại thế nào. Ngày bình thường, bố mẹ cũng phải mất công, mất việc để đưa trẻ con đi học qua đoạn phải kéo mảng. Khổ như thế nên khi hoàn thành cây cầu treo, “dân bản vui còn hơn Tết”.

150095629798531-vov_cau-treo-viettel-4

Cầu Khe Gai được làm kiên cố

Nhà ông Hoàng Văn Huyện có hơn 2 ha trồng quế, sắn. Từ khi có cầu, ông Huyện có thể vận chuyển sắn, quế đi bán và thậm chí thương lái còn đến tận nơi thu mua. Năm nay, thu nhập của ông lên tới hơn 100 triệu.

“Mọi năm trồng được củ sắn tốt, cây quế đạt chất lượng, người ta cũng muốn mua mà không làm cách nào mà vận chuyển hết ra được bên ngoài. Vì cứ phải đi đường vòng, mất 4 – 5 km chủ yếu là đường đồi, mỗi lần chỉ mang được một ít. Còn nếu chuyển bằng mảng, lỡ bị lật hay gặp mưa, dính nước là quế giảm chất lượng, thương lái lại chẳng mua. Có cây cầu như thế này tiện trăm bề. Vụ quế vừa rồi, gia đình tôi đỡ vất vả hơn nhiều, thu nhập cũng khá hơn” – ông Huyện chia sẻ.

Bản nghèo Mù Cang Chải cũng sắp có cầu mới

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Đông An, xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số; mật độ dân cư phân bố không đồng đều, tập trung ở các triền đồi ven suối. Đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc nhiều vào làm nương, đồi, canh tác sắn và trồng rừng sản xuất.

150095629722280-vov_cau-treo-viettel-7

Có cầu để đi, đời sống của người dân Khe Gai và các bản lân cận sẽ khá hơn vì thông thương dễ dàng.

Xã có 17 thôn, nhưng có tới 5 thôn đặc biệt khó khăn. Tại đây, giao thông đi lại khó khăn nên bà con khó giao thương. Hiện tại, xã có nhu cầu làm thêm 2 cây cầu nữa, nhưng chờ kinh phí để xây dựng thì rất lâu.

Còn thôn Khe Gai là thôn ĐBKK với hơn 100 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là khu vực có nhiều đất sản xuất, người dân có điều kiện để phát triển kinh tế từ việc trồng sắn, quế và các nông lâm sản khác nhưng trước đây khó có điều kiện phát triển vì không có cầu qua suối.

Cầu Ngòi Hút là 1 trong 5 cây cầu được Viettel tài trợ và hoàn thành trong năm 2016. Trung tá Trần Quang Hưng – Trưởng ban Xây dựng Tập đoàn VIETTEL cho biết: “Cây cầu treo này được xây dựng theo lời kêu gọi của Bộ GTVT về ủng hộ xây dựng cầu dân sinh quy mô nhỏ trên toàn quốc mang tên “Nhịp cầu yêu thương”. Sau khi khảo sát, chúng tôi quyết định ủng hộ một cầu treo nhằm giúp người dân thôn đi lại an toàn và thuận tiện hơn”.

Ngày 15.7 vừa qua, Viettel cũng vừa mới khởi công xây dựng cầu Cáng Dông ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

Cầu treo Ngòi Hút bắc qua suối Ngòi Hút có tổng mức đầu tư gần 6,1 tỷ đồng, nguồn vốn do Tập đoàn Viettel tài trợ, hưởng ứng chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ Giao thông Vận tải phát động. Cầu Ngòi Hút có chiều dài 100m, rộng trên 2m, cầu có móng trụ tháp bằng bê tông cốt thép. Cầu phục vụ nhu cầu đi lại của 179 hộ dân sinh sống ở hai thôn Khe Gai và Khe Voi, xã Đông An.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.