70 năm truyền thống ngành GTVT

Thôn nghèo thoát cảnh cách trở đò ngang...

12/05/2015, 20:09

Duân Kinh sẽ mãi chịu cảnh cách trở đò ngang nếu không có tấm lòng hảo tâm vận động quyên góp...

91
Cầu Duân Kinh

Duân Kinh là thôn nằm mé bên sông Vĩnh Định (xã Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị). Và thôn nghèo sẽ mãi chịu cảnh cách trở đò ngang nếu không có tấm lòng hảo tâm vận động quyên góp của sư bà Thích Nữ Như Hoa (Bà Rịa- Vũng Tàu) cùng sự đồng lòng góp sức của người dân…

Đám ma khiêng ba quãng

Ông Trần Tiến, Trưởng thôn Duân Kinh tự hào dẫn chúng tôi hết đi xuôi rồi đi ngược ở hai đầu cầu khang trang, được đổ bê tông sạch đẹp. “Nhịp cầu mơ ước thôn Duân Kinh, chiều dài gần 60m, rộng 2,3m, chiều cao khống chế 1m”, ông Tiến đọc vanh vách. Những “thông số kỹ thuật” cũng được đặt ngay đầu cầu, cùng tấm bia đá khắc ghi sự đóng góp ủng hộ của các tấm lòng thiện nguyện.

Theo ông Tiến, thôn Duân Kinh trước đây cũng có một cây cầu bắc qua sông Vĩnh Định, nhưng trận lũ năm 1999 đã làm trôi mất cầu, khiến người dân xóm Cỏ Ống và thôn Duân Kinh khó khăn, vất vả trăm bề. Chính quyền xã Hải Xuân “bất lực” vì thiếu kinh phí. Bao đời nay, người dân thôn nghèo Duân Kinh chịu cảnh cách trở đò ngang.

"Sau khi cầu Duân Kinh được xây dựng, Chương trình phát triển vùng huyện Hải Lăng cũng tài trợ kinh phí làm công trình cải tạo phòng tránh tai nạn phía đầu cầu cho nhân dân và học sinh nơi đây lưu thông qua cầu êm thuận, đảm bảo an toàn, nhất là vào ban đêm hay khi trời mưa lũ”.

Ông Trần Tiến
Trưởng thôn Duân Kinh

“Người dân đi làm ruộng, làm màu lỉnh kỉnh nông cụ, phân bón. Các bậc cao niên và người dân đi việc họ, việc làng, đi lễ chùa... phải đi đò qua sông, hoặc đi đường bộ vòng qua ba thôn. Nhiều cháu học sinh đến lớp cũng phải đi đò qua sông, còn mùa mưa lũ phải đi vòng lên thị xã Quảng Trị, hoặc đi vòng xuống cầu Xuân Trung. Đặc biệt, khi xóm Cỏ Ống có người chết muốn đưa đến nghĩa trang phải đi đường vòng, qua ba thôn, xin phép rất phiền”, ông Trần Tiến kể.

Đau đáu mong quê hương có cây cầu xóa dần cách trở, ông Tiến gõ cửa hàng loạt các cơ quan chức năng nhưng đều nhận được những cái lắc đầu vì thiếu kinh phí. Biết tin sư bà Thích Nữ Như Hoa là người có tấm lòng hảo tâm, từng quyên góp xây dựng nhiều cây cầu cho dân nghèo, ông Tiến nhờ người liên lạc rồi “đánh thư” gửi vào Bà Rịa - Vũng Tàu nhờ sự giúp đỡ. Chưa hết mừng vì nhận được phản hồi hỗ trợ xây cầu, người dân xóm Cỏ Ống và thôn Duân Kinh được đích thân sư bà Thích Nữ Như Hoa cùng với đoàn từ thiện ra khảo sát trực tiếp vị trí xây cầu.

Ngày 26/5/2014, thôn Duân Kinh “vui hết cỡ” khi công trình “Nhịp cầu mơ ước” được khởi công xây dựng. Thông thường, mỗi cây cầu do sư bà kêu gọi quyên góp xây dựng chỉ từ 500- 800 triệu đồng. Tuy nhiên, khi khảo sát về mặt vị trí địa lý, địa chất cũng như dòng chảy sông Vĩnh Định, số tiền làm cầu lên đến 1,7 tỷ đồng mới đạt tiêu chuẩn.

Riêng kinh phí xây cầu gần 1,5 tỷ đồng, trong đó sư bà Thích Nữ Như Hoa đã quyên góp được 1,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại, ông Tiến cùng chính quyền thôn viết thư kêu gọi con em quê hương đang làm ăn, công tác ở xa hỗ trợ.

“Nếu không có duyên được sư bà Thích Nữ Như Hoa cùng những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ để xây “Nhịp cầu mơ ước”, cây cầu bắc qua sông Vĩnh Định đối với người dân xóm Cỏ Ống và thôn Duân Kinh chắc rất lâu nữa vẫn chỉ là… ước mơ. Cây cầu này sẽ đưa nhân dân xóm Cỏ Ống và thôn Duân Kinh chúng tôi lên một mức sống mới”, ông Trần Đãi, Trưởng xóm Cỏ Ống nói.

Nối nhịp cầu mơ ước

Ngày 13/1 mới đây, cả thôn Duân Kinh vui như mở hội, dự lễ khánh thành, đưa vào sử dụng cầu. Trong ngày vui hôm đó, vị “ân nhân” của thôn, sư bà Thích Nữ Như Hoa bộc bạch: “Tôi ao ước cây cầu này sẽ có tuổi thọ thật bền lâu để cho bà con đi lại dễ dàng và đời sống được cải thiện sung túc hơn. Bà con sẽ phát triển kinh tế và đời sống an lạc hơn. Bà con mình hôm nay có cây cầu này phải biết ơn chú Tiến (ông Trần Tiến, Trưởng thôn). Tôi thấy chú có lòng với dân như vậy cho nên cố gắng làm, chứ tôi chưa bao giờ làm cây cầu với kinh phí lớn như thế này”.

Ông Trần Đãi phấn khởi cho biết, bao năm nay, bà con phải đi đò, hoặc đi đường vòng vất vả lắm. Khi “cây cầu mơ ước” đã được nối nhịp, ai nấy đều phấn khởi vì quá thuận tiện. Tết vừa rồi chỉ “vèo” một cái là đã qua bên kia sông thăm bà con. Có cầu không chỉ thuận tiện trong đi lại mà đi “thăm ló, ngó đồng”, vận chuyển nông sản chi cũng sướng”.

Còn với ông Trần Tiến: “Cầu có bốn trụ, năm nhịp nhưng thực tế có đến hàng trăm “nhịp” của những tấm lòng, sự chung tay góp sức để đưa cầu vào hoàn thiện. Thôn thành lập ban vận động, công khai minh bạch tất cả thu chi để bà con “kiểm chứng”. Khi chi tiền tạm ứng, thanh quyết toán từng đợt cũng đều phải có các thành viên giám sát. Ngoài những cá nhân hỗ trợ chi phí khảo sát địa chất và thiết kế bản vẽ thi công và hỗ trợ tiền mặt cao nhất được 15 triệu đồng, còn lại đa phần mọi người hỗ trợ bình quân vài trăm nghìn đồng. Tuy số tiền không nhiều, nhưng nhiều người chung sức đã thành một khoản tiền lớn để xây cầu”.

“Dù vậy, hiện nay số tiền quyên góp vẫn chưa đủ. Hiện, thôn phải nợ nhà thầu gần 200 triệu đồng. Cũng may, Công ty Ngọc Châu Phương ở TP Đông Hà cũng chia sẻ đây là cây cầu từ thiện, nên cho kéo dài thời hạn thanh toán”, ông Tiến kể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.