Xã hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Rủi ro lạm phát năm 2022 rất lớn

12/11/2021, 09:54

Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, năm 2021, chỉ tiêu đạt lạm phát dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn.

Không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại

Sáng nay (12/11), tại hội trường Quốc hội, trao đổi thêm về các câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống.

img

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

"Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ trên hai mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô", bà Hồng nói thêm.

Với dư địa chính sách, bà Hồng cho rằng, năm 2021, chỉ tiêu đạt lạm phát dưới 4% có thể đạt được nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn.

Khi nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.

Các Ngân hàng trung ương trên thế giới hiện cũng giảm dần nới lỏng chính sách, theo tính toán của bà, đã có 65 lượt tăng lãi suất, tạo áp lực điều hành cho Việt Nam thời gian tới.

Đồng thời, nếu nhìn từ nhiệm vụ thứ hai của chính sách, nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý.

"Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống", bà Hồng nói.

Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008-2009 theo bà vẫn còn, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách từ đầu năm 2020, Thống đốc cho biết, đại dịch đã tác động nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã tích cực thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Ngay từ đầu năm 2020, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất, từ 1,5-2%. "Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực", bà Hồng nói.

Ngoài việc điều hành lãi suất, cơ quan điều hành cũng chỉ đạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm cả với các khoản vay cũ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,66% so với trước dịch, với tổng mức giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng giảm phí hơn 2.000 tỷ đồng cho khách hàng. Bằng việc này đã giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phải ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng về khả năng tăng bội chi và nợ công, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho rằng chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn đầu tư công và các yếu tố liên quan trước khi quyết định.

Ông phân tích về nợ công cuối năm 2021 ước tính 44% GDP - ở mức thấp, do từ năm 2021 ta điều chỉnh tăng GDP theo cách tính mới. Do đó giá trị tuyệt đối của nợ công không giảm nhưng mẫu số GDP tăng nên tỷ lệ này thấp.

"Việc này tạo cảm giác còn dư địa tăng nợ công nhưng thực chất không hoàn toàn như vậy", ông Nam nói.

Ông dẫn lời Bộ trưởng Tài chính trong giai đoạn 2016-2020, tổng vay của Chính phủ là 1,852 triệu tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 dự kiến vay 3,068 triểu tỷ nên nợ công dự kiến năm 2025 khoảng 45,6% theo GDP mới, còn nếu tính theo GDP cũ khoảng 57,9% - tức đã vượt ngưỡng 55%.

"Vì vậy nếu phải ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính và các cân đối vĩ mô thì phải thận trọng", ông Nam phân tích.

Về bội chi, ông Nam cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu giảm dần thâm hụt ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,7% GDP, như vậy, nếu tăng bội chi 1% sẽ tăng gánh nặng giảm thấp tỷ lệ này trong những năm tiếp theo nên phải thận trọng tỷ lệ nợ công và bội chi để hạn chế rủi ro.

“Trước khi tính đến kịch bản tăng nợ công và bội chi nên tính đến sử dụng các gói kích cầu, chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giảm bội chi và tăng cường quản trị nguồn lực hiện có, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Nam nêu quan điểm.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế đã được tính toán thận trọng, trong đó có lưu ý vấn đề tăng bội chi và nợ công cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế để không phá vỡ an toàn tài chính chung.

Ông nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn nên phải tính toán thận trọng đảm bảo phục hồi, phát triển nền kinh tế và cân nhắc vấn đề an toàn tài chính.

Nhắc lại về lĩnh vực đầu tư công, ông Dũng cho biết: "Ngày hôm qua đã được trao đổi nhiều. Vấn đề này nan giải, lâu nay chưa giải quyết triệt để. Tình hình, nguyên nhân, giải pháp chúng ta nói rất nhiều"

Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, giải pháp giải ngân cao hơn trong thời gian sắp tới là vấn đề hết sức quan trọng, nếu không giải ngân tốt thì gói hỗ trợ chúng ta tập trung đầu tư công cũng khó hấp thụ được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.