Một số cảng hàng không đang quá tải
Phát biểu tại Tọa đàm Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không diễn ra sáng nay (23/6) tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không (CHK), trong đó có 21 CHK do doanh nghiệp nhà nước là TCT Cảng hàng không VN (ACV) quản lý và Cảng HKQT Vân Đồn được đầu tư theo hình thức PPP.
Tọa đàm nhằm tìm ra những giải pháp để phát triển xã hội hóa cảng hàng không (Ảnh: VGP)
Theo ông Dũng, giai đoạn 2011 - 2019, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16 - 18%/năm. Sự phát triển đó đã gây áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không.
Thực tế, giai đoạn 2011 - 2019, việc đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không có công suất thiết kế là 95 triệu khách/năm. Nhưng thời điểm cao nhất trước Covid-19 năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không đã đạt 116,5 triệu hành khách/năm, vượt khoảng 20 triệu khách.
“Với lưu lượng đó, một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng, chủ yếu là các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước như CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết giai đoạn vừa qua, nguồn vốn huy động vào các CHK này chủ yếu là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Trong bối cảnh đó, việc sớm xã hội hóa hạ tầng hàng không, thu hút các nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư CHK càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các CHK khoảng 275 triệu hành khách.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Ngọc Sáu - nguyên giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn chia sẻ: Khách qua cảng hàng không hiện tại khoảng 100 triệu khách/năm. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được phê duyệt, đến năm 2030, con số này sẽ là 279,5 triệu khách, gấp 2,7 lần.
"Nhu cầu như vậy mà chúng ta không tìm những giải pháp để thực sự triển khai được các dự án vào năm 2024 - 2025, và thi công 2 -3 năm, tức là đến năm 2027 - 2028 mới đưa vào khai thác, thì đến năm 2030 chúng ta lại tiếp tục quá tải. Như vậy luôn luôn trong tình trạng quá tải", ông Sáu nói.
Tnhững kinh nghiệm có được trong quá trình đầu tư, khai thác sân bay tư nhân, ông Sáu khẳng định: Phải tìm cách để thúc đẩy đầu tư hạ tầng hàng không càng sớm càng tốt, không chỉ đầu tư sân bay mới mà còn xã hội hóa các CHK hiện hữu. Để làm điều đó, cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, có quy định cho các địa phương quy hoạch sân bay chuyên dùng để giảm tải cho sân bay lớn theo lộ trình rõ ràng.
“Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro pháp lý, hoàn thiện độ tin cậy về quyền sở hữu, chính sách đất đai, thuế... để các nhà đầu tư yên tâm. Ngoài ra, cần có chính sách mở về đầu tư, cân bằng quyền lợi giữa các bên với quy trình đầu tư minh bạch. Phải xây dựng mô hình PPP mạnh mẽ, hữu ích, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối cho các sân bay từ đường sắt, đường bộ... tăng tiềm năng giao thương với các khu vực lân cận”, nguyên Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn chia sẻ.
Sân bay Việt Nam không nhiều nhưng cũng không ít
Thẳng thắn nhìn nhận đầu tư hạ tầng cảng hàng không thì hiệu quả tài chính không cao, nhất là giai đoạn đầu khi lãi vay trả lớn trong khi lưu lượng vận tải hành khách ban đầu chưa cao nên rất khó khăn cho các nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết: Bộ GTVT đang hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Ngoài ra sau Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT cũng đã lập các Quy hoạch chi tiết và đang đẩy nhanh tiến độ thẩm định, làm cơ sở thu hút đầu tư.
"Khi xây dựng Đề án, chúng tôi đề xuất Nhà nước hỗ trợ mức độ để làm sao tài chính khả thi. Ví dụ khi đưa vào khai thác cảng hàng không từ quân sự sang như Chu Lai, Thọ Xuân, Vinh trong giai đoạn đầu, Nhà nước và các địa phương cũng hỗ trợ các hãng vận tải. Hiện nay, các địa phương vẫn có các chính sách hỗ trợ để thu hút các đường bay mới. Đây là một trong những yếu tố để hấp dẫn được các cảng hàng không mới hoạt động có hiệu quả", ông Dũng nói và cho biết: Khi lập Đề án xã hội hóa, Bộ GTVT lấy hết ý kiến tất cả các địa phương, các doanh nghiệp ngành hàng không, các hiệp hội, kể cả các nhà đầu tư. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề hơi sâu và phức tạp nên sự tham gia của các cơ quan, đơn vị cũng không nhiều lắm.
"Đối với công tác lập quy hoạch, thường chúng tôi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các hãng, các đơn vị trong ngành hàng không. Tuy nhiên, đúng là trong quá trình lập quy hoạch chưa lấy ý kiến các nhà đầu tư. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu phương án lấy thêm ý kiến của các nhà đầu tư", ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, Bộ GTVT đang sửa Luật Hàng không và sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung này, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có cơ chế mở.
Thông tin thêm, ông Dũng cho hay: Trong ngành hàng không có hai khái niệm: Cảng hàng không và sân bay. Sân bay gần như chỉ có cất hạ cánh và sân đỗ, một nhà ga rất nhỏ. Còn cảng hàng không là cả một tổ hợp, phục vụ vận tải hành khách công cộng, đến giờ là phải bay. Còn sân bay chuyên dụng phải đủ khách mới bay, quy mô nhỏ. Thế giới sân bay rất nhiều nhưng cảng hàng không thì phải có đủ khách mới thiết lập được và phải có lãi, sân bay thì theo nhu cầu cá nhân thôi.
"Trong quá trình lập quy hoạch, chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi là quy hoạch số cảng hàng không như vậy là nhiều hay ít, trên tiêu chí nào. Chúng tôi cũng đã phải lấy kinh nghiệm quốc tế chứ rất khó để đưa ra tiêu chí chung. Theo Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế, bình quân 75% dân số thế giới tiếp cận cảng hàng không trong phạm vi 100km. Việt Nam vừa rồi quy hoạch đạt 30 cảng hàng không thì 95% dân số Việt Nam tiếp cận trong 100km. So với thế giới và các nước Đông Nam Á hiện nay từ 88% cho đến 96%, như vậy mình tương đương. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc… từ 95% cho đến 99% trong phạm vi 100km. Do vậy Việt Nam mình ở mức bình thường, không nhiều và không ít", ông Dũng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận