Hạ tầng

Thông luồng sông Hậu ra biển lớn

19/01/2016, 20:23

Ngày mai (20/1), dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu sẽ được thông luồng kỹ thuật.

3
Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu sẽ chính thức được nối thông biển lớn

Ngày mai (20/1), dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu thông qua kênh Quan Chánh Bố và kênh Tắt sẽ được thông luồng kỹ thuật. Đây là dự án thể hiện sự quyết tâm lớn của Đảng, Chính phủ trong việc tìm hướng ra biển để xóa đói giảm nghèo cho vùng ĐBSCL. Càng ý nghĩa hơn khi dự án được thông luồng đúng vào dịp Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Gian nan tìm lối ra biển cho ĐBSCL

Theo tính toán, mỗi năm có trên 16 triệu tấn hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất khẩu bằng đường biển. Tuy nhiên, chỉ 30% đi thẳng từ các cảng vùng ĐBSCL bằng sà lan nhỏ. Còn lại 70% phải vận chuyển lên các cảng ở TP HCM, Vũng Tàu. Cứ một tấn hàng xuất khẩu vận chuyển lên TP HCM phải “cõng” thêm 7 USD chi phí. Hàng hóa, nông sản của nông dân làm ra vì thế giảm nhiều sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực do phải cộng chi phí vận chuyển.

Với khu vực ĐBSCL, lợi thế kênh rạch chằng chịt, đặc biệt sông Hậu với độ sâu tự nhiên hơn 18m nhưng chỉ những tàu 5.000 tấn ra vào là một sự lãng phí rất lớn. Các cửa sông thông ra biển qua bao nhiêu năm đã bị bồi lắng nên tàu lớn không vào được.

Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được tái khởi động vào tháng 3/2014 và thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2014 - 2016 triển khai trên chiều dài 46,5km. Giai đoạn 2 từ 2016 - 2017, hoàn thành các hạng mục còn lại đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, đảm bảo dân sinh. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.781,2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người “đau đáu” trong việc tìm lối ra biển cho vùng ĐBSCL. Từ năm 1994 của thế kỷ XX, ông đã được tháp tùng đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các nhà khoa học nhiều lần đi khảo sát các tuyến luồng, cửa biển trong khu vực này. Có nhiều giải pháp đưa ra như tiến hành nạo vét luồng Trần Đề, cửa Định An để tận dụng tự nhiên, tiết giảm chi phí.

Sau khi phân tích một cách khoa học các yếu tố tự nhiên, tính khả thi và bền vững lâu dài, phương án nạo vét kênh Quan Chánh Bố và đào một tuyến kênh Tắt dài 8,2km để mở lối ra biển đã được lựa chọn. Phương án này được xem là tối ưu và được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Cuối tháng 12/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Trong khi các nhà thầu mới được triển khai thi công gói thầu 6A - nạo vét kênh Quan Chánh Bố, khó khăn về nguồn vốn đã khiến dự án phải đình hoãn trong vòng hơn 4 năm. Những ý kiến không đồng tình với việc triển khai dự án lúc đó càng thêm có lý do tranh luận, cho rằng có sự lãng phí khi triển khai dự án này. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, dự án đã bị bỏ giữa chừng vì không thể có nguồn để đầu tư.

Nhưng trước nhu cầu bức thiết của sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, Chính phủ đã quyết tâm trình Quốc hội để xin cấp vốn cho dự án. Sau khi cân nhắc các ý kiến và tính chiến lược của dự án đối với sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL, Quốc hội đồng ý cấp vốn cho dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu với tổng mức đầu tư trên 9.781 tỷ đồng để tái khởi động dự án vào tháng 3/2014.

Huy động tổng lực để thực hiện dự án

Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm ngành GTVT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của khu vực vùng ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, những tàu biển trọng tải trên 10 nghìn tấn đầy tải và 20 nghìn tấn giảm tải có thể ra vào sông Hậu để vận chuyển hàng hóa.

Để thực hiện dự án này, những nhà thầu mạnh nhất của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng như: Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty 319, Tổng công ty Thăng Long, Công ty Khánh Giang, Công ty Minh Hằng, Công ty Tường Vy… đã được huy động.

Ông Trần An Hải, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Hàng hải, người trực tiếp chỉ đạo thi công tại công trường cho biết, để dự án được thông luồng kỹ thuật đúng tiến độ, cả chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã rất nỗ lực để vượt qua vô vàn khó khăn.

Những tranh luận về nguồn vật liệu cát, thời tiết bất lợi đã khiến gói thầu 10A - thi công đê chắn sóng phía Nam gần như án binh tại chỗ trong nhiều tháng liền. Quá trình thi công dự án vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Có thời điểm khó khăn nhất, nhiều người nghĩ đến tình huống xấu là “vỡ tiến độ”. Tổng nguồn vốn đầu tư lớn, tầm quan trọng chiến lược nên dự án chịu sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ và người dân cả nước. Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đã tổ chức nhiều đoàn đến công trường giám sát tiến độ dự án.

Trong các cuộc kiểm tra tại công trường của lãnh đạo Bộ GTVT có nhiều cuộc họp tổ chức xuyên trưa. Bộ GTVT cũng đã tiến hành điều chuyển khối lượng của những nhà thầu yếu sang cho các nhà thầu mạnh. Những khó khăn về nguồn vật liệu đã từng bước được tháo gỡ. Kết quả là tuyến đê biển phía Nam đã hoàn thành đạt cao trình, đúng tiến độ, phát huy tác dụng chắn cát, giảm sóng và đảm bảo việc phối hợp hai dự án Luồng sông Hậu và Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Đích thân ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trực tiếp xuống đối thoại với dân để gỡ vướng trong công tác GPMB. Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát ngày đêm bám công trường để kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình thi công.

Ông Trần Anh, Tổng giám đốc QLDA Hàng hải cho biết, theo kế hoạch ban đầu, phải đến tháng 10/2016 dự án mới được thông luồng. Tuy nhiên, với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Hàng hải và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án sớm thông luồng đầu năm 2016.

Vượt qua vô vàn khó khăn, dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu đã hoàn thành cơ bản những hạng mục chính để chính thức thông luồng vào ngày 20/1. Chỉ một thời gian ngắn nữa, những chuyến tàu biển trọng tải lớn sẽ tấp nập ra vào sông Hậu chở đầy trên mình hàng hóa, nông sản của vùng ĐBSCL ra với thế giới mang theo bao ước mơ, khát vọng thoát khỏi đói nghèo vươn lên giàu có của người dân miền Tây Nam bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.