Bảo hiểm

Thông tư của Bộ Tài chính gỡ nhiều khó khăn cho DN bảo hiểm

30/01/2018, 17:00

Nhiều nội dung trong Thông tư số 50/2017/TT-BTC đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN bảo hiểm.

bao hiem xe co gioi

Thông tư số 50/2017/TT-BTC bổ sung nguyên tắc chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới

Ngày 15/5/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo ông Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Thông tư mới đã thay thế cho cả 3 Thông tư gồm Thông tư 124/2012/TT-BTC, Thông tư 125/2012/TT-BTC, Thông tư 194/2014/TT-BTC, qua đó tạo được sự hợp nhất, đơn giản, rõ ràng về mặt hình thức văn bản... Đặc biệt, Thông tư mới đã kế thừa được những nội dung còn phù hợp của các Thông tư cũ, những nội dung mới được sửa đổi bổ sung cũng đã tháo gỡ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo phát huy được chức năng quản lý, giám sát của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định cũng như tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích người tham gia bảo hiểm.

Cụ thể, một số nội dung nổi bật được sửa đổi bổ sung như sau:

Bỏ quy định doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) không được trả hoa hồng bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm trong trường hợp đấu thầu. Trước đây Thông tư 124/2012/TT-BTC quy định doanh nghiệp không được trả hoa hồng cho đại lý bảo hiểm trong trường hợp đấu thầu. Thực tế triển khai cho thấy nhiều bất cập khi doanh nghiệp bảo hiểm vẫn cần sử dụng đại lý bảo hiểm trong các khâu như thu thập thông tin chào thầu, thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm. Quy định mới là phù hợp với thực tế hiện nay.

Bổ sung nguyên tắc chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới. Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới có phát sinh nhiều khiếu nại về quy tắc, điều khoản, cạnh tranh hạ phí, mở rộng điều khoản ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp. Quy định mới này sẽ làm giảm hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng vì sản phẩm trước khi được ban hành phải được Bộ Tài chính kiểm tra, phê chuẩn, áp dụng theo mức phí bảo hiểm thuần mà Bộ Tài chính công bố. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm rà soát, đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới với Bộ Tài chính.

Sửa đổi quy định về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Quy định cũ tại Thông tư 124/2012/TT-BTC doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm khi bên mua đã đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày. Thực tế cho thấy thời hạn 5 ngày là quá ngắn và khó khả thi. Quy định mới đã nâng thời hạn lên tối đa không quá 30 ngày, phù hợp hơn cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc hạch toán doanh thu trong trường hợp nhận và nhượng tái bảo hiểm. Quy định cũ tại Thông tư 125/2012/TT-BTC doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán thu phí nhận tái bảo hiểm, thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động nhượng tái bảo hiểm khi bản thanh toán về tái bảo hiểm được xác nhận. Thực tế bản thanh toán về tái bảo hiểm thường được thông báo sau 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý có thể dẫn đến lệch kỳ kế toán trong hạch toán doanh thu, chi phí. Vấn đề này đã được khắc phục trong Thông tư mới.

Quy định về công bố thông tin, theo đó trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi tháng, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai trong tháng trước liền kề (nếu có) bao gồm: Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu có liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Quy định này nhằm đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Quy định về thành lập và hoạt động của Ban Kiểm soát khả năng thanh toán Thông tư đã bổ sung một chương quy định về thành lập và hoạt động của Ban Kiểm soát khả năng thanh toán. Quy định này phù hợp với hướng dẫn trong tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP: Trong trường hợp DNBH không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính quy, DNBH bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Bộ Tài chính hướng dẫn việc thành lập và cơ chế hoạt động của Ban Kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định.

Ngoài ra Thông tư còn có sửa đổi các quy định về chế độ báo cáo, mẫu báo cáo, quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ, sửa đổi quy định về tách quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng trong bảo hiểm nhân thọ, sửa đổi về cách tính biên khả năng thanh toán… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.