Đời sống

Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT nhưng không quên phát triển y tế cơ sở

22/10/2019, 13:15

Từ 1/1/2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT nhưng đòi hỏi tuyến cơ sở phải đảm bảo quản lý tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

img
Nhiều người dân hưởng lợi từ quy định thông tuyến huyện trong KCB BHYT

3 năm thông tuyến cấp huyện vẫn còn bất cập

Thông tin từ Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, sau hơn 3 năm chính sách thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT được áp dụng, đến nay đã có hàng triệu lượt người bệnh được hưởng lợi nhờ chính sách này. Mặt khác đã thúc đẩy các bệnh viện cùng tuyến trong cùng một địa phương đẩy mạnh phát triển chuyên môn kỹ thuật để thu hút người bệnh thay vì tư duy cứ ngồi đợi là người bệnh đúng tuyến phải tự tìm đến khám như trước.

Tuy vậy, cũng đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách thông tuyến BHYT ở tuyến quận/ huyện và xã/ phường để trục lợi quỹ BHYT. Bên cạnh đó, còn một bộ phận không nhỏ người bệnh vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHYT nói chung, quy định thông tuyến BHYT nói riêng, dẫn tới thực trạng có thẻ BHYT nhưng không sử dụng hoặc “bỏ phí” chỉ vì ngại thủ tục chuyển tuyến rườm rà, mất thời gian.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, khi đặt lộ trình, đã xác định sau 5 năm thực hiện thông tuyến huyện sẽ có kinh nghiệm chuẩn bị cho thông tuyến tỉnh. Qua 3 năm thông tuyến huyện, quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế được người dân rất ủng hộ do việc đi KCB rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc quản lý cũng gặp một số vấn đề rắc rối nhưng có thể nghiên cứu và điều chỉnh hợp lý.

Thông tuyến huyện trong KCB BHYT là một trong những đột phá của chính sách y tế nhưng cũng phải xem xét cùng với những quy định khác để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Trước đây, trạm y tế xã rất nhiều việc (tuyên truyền, tiêm chủng, KCB thông thường…); bây giờ chỉ làm công tác tuyên truyền, tiêm chủng, còn KCB người dân không tin tưởng nữa. Nguyên nhân là y tế xã do BV huyện quản lý, cấp thuốc gì thì được thuốc đó và thuốc ở y tế xã thấp hơn so với ở BV… khiến người dân phải lên tuyến trên. Vì vậy, cần phải sửa đổi chính sách để thuốc ở xã cũng được như ở huyện; một số dịch vụ xét nghiệm cơ bản cũng nên trang bị cho tuyến xã. Sửa Luật BHYT làm sao để y tế xã ngoài việc tiêm chủng, KCB thông thường, tư vấn… còn có chức năng kiểm tra, khám sức khỏe tại nhà cho một số đối tượng ưu tiên (người già, người tàn tật…). Làm như vậy sẽ giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên nữa.

Thông tuyến tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2021

Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT. Ông Tiên cho biết: “Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, tôi thấy rằng chúng ta có thể thông tuyến tỉnh, thậm chí thông tuyến Trung ương với điều kiện tuyến cơ sở phải quản lý tốt sức khỏe, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các bác sĩ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phải thực hiện đúng chức năng của mình. Khi người dân đi KCB, trước tiên họ ký xác nhận thông qua bác sĩ gia đình để được quản lý, xác định, giới thiệu lên đúng tuyến. Như vậy, chúng ta được cả 2 mặt: Quản lý tốt quỹ BHYT, tiết kiệm tiền cho người dân do không lên tuyến trên với những bệnh nhẹ; đảm bảo quyền thông tuyến, giúp người dân bị bệnh nặng được điều trị kịp thời”.

Theo ông Tiên, việc sửa đổi Luật BHYT cần tập trung vào y tế cơ sở, bởi lâu nay đã tập trung quá nhiều vào tăng cường khả năng kỹ thuật của BV mà coi nhẹ y tế cơ sở. Xu hướng chung của thế giới là cùng với tăng cường KCB ở tuyến trên cũng phải tăng cường đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu thì thông tuyến sẽ không ảnh hưởng gì. Khi y tế xã có đủ động lực để quản lý tốt thì người dân không phải lên tuyến trên nữa, bởi bất kỳ người bệnh nào cũng muốn được quản lý, chăm sóc tại cơ sở, còn khi bệnh nặng thì có thể được chuyển thẳng lên tuyến trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.