Hạ tầng

Thông xe 5,3km đường trên cao đẹp nhất Thủ đô

10/10/2020, 06:47

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long 5,3km đã hoàn thành các hạng mục, cơ bản đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 11/10.

img
Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tuyến đường trên cao đẹp nhất Thủ đô Hà Nội sẽ thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 11/10/2020

Đầu tư thêm nhiều hạng mục bằng vốn dư để tối ưu hiệu quả

Phát lệnh khởi công từ tháng 5/2018, hai gói thầu xây lắp của dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được trao cho những nhà thầu danh tiếng đến từ Nhật Bản và Việt Nam.

Nếu gói thầu số 1 của dự án đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long có sự hiện diện của hai nhà thầu tới từ Nhật Bản là liên danh Tokyu - Taisei, thì tại gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế được đảm nhiệm bởi liên danh Sumitomo - Cienco4, hai nhà thầu đã và đang sát cánh cùng nhau tạo nên dấu ấn tại hàng loạt công trình giao thông trọng điểm quốc gia: Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Nhật Tân, Metro Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Tuyển chọn được những nhà thầu mạnh cả về năng lực, kinh nghiệm và tài chính nên toàn bộ hạng mục của công trình đã hoàn thành thi công vào ngày 30/9/2020, sau 28 tháng triển khai, đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

Đáng chú ý, thành công của dự án này không thể không nhắc đến việc Ban QLDA Thăng Long được Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng” giao làm đại diện chủ đầu tư. Đây là một trong những “cánh chim đầu đàn”, có nhiều năng lực và kinh nghiệm nhất trong số các đơn vị đảm nhiệm công tác quản lý, đầu tư phát triển các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT hiện nay.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, từ cuối năm 2012, Bộ GTVT giao Ban QLDA Thăng Long nghiên cứu đầu tư dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long để khai thác đồng bộ với tuyến đường trên cao từ Bắc Hồ Linh Đàm - Mai Dịch nhằm giải tỏa ùn tắc, tai nạn giao thông cho tuyến đường Phạm Văn Đồng, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển KT-XH của Thủ đô Hà Nội.

Trên cơ sở đề xuất của Ban QLDA Thăng Long, tháng 9/2013, Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long dài 5,36km, tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

“Sau gần 5 năm thực hiện công tác chuẩn bị thủ tục, đấu thầu lựa chọn tư vấn… đầu năm 2018, dự án chính thức phát lệnh khởi công. Đến nay, sau 28 tháng triển khai thi công, công trình đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục và cơ bản đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 11/10/2020”, ông Roãn nói.

Cũng theo ông Roãn, trong thiết kế ban đầu được Bộ GTVT phê duyệt, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh ramp ra vào tuyến đường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ GTVT đã phê duyệt bổ sung 6 nhánh ramp lên xuống (trái tuyến 3 nhánh và phải tuyến 3 nhánh) tại các khu vực gần ngã tư Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế và Tân Xuân.

Các nhánh ramp này sẽ được triển khai xây dựng ngay sau khi công trình thông xe và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/4/2021 để kết nối giữa cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và khu vực xung quanh.

Đặc biệt, nguồn dự phòng trong tổng mức đầu tư không dùng đến và nguồn kinh phí tiết giảm được trong quá trình thực hiện dự án bằng các giải pháp kỹ thuật tối ưu, sau khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục, dự án vẫn còn dư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

“Để tối ưu hóa hiệu quả công trình, Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư từ dự án để đầu tư bổ sung xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Hoàng Quốc Việt, đồng thời mở rộng cầu Mai Dịch thêm mỗi bên 7m để khai thác đồng bộ toàn tuyến Vành đai 3 trên cao từ Bắc Hồ Linh Đàm - Nam Thăng Long”, ông Roãn chia sẻ.

Công trình có ý nghĩa quan trọng với giao thông Thủ đô

Thông tin cụ thể về tuyến đường trên cao đẹp nhất Thủ đô thông xe vào ngày 11/10, ông Phạm Anh Tú - Giám đốc điều hành dự án cho biết, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng.

Công trình có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m. Dự án được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.

Đánh giá về tiến độ và chất lượng của dự án, ông Lê Hoàng Phương - Đại diện liên danh giám sát OCG - OC - KEI -TEDI nói: “Ngay từ khi dự án được phát lệnh khởi công vào tháng 5/2018, công tác giám sát tiến độ và chất lượng công trình được kiểm soát rất chặt chẽ theo quy trình của dự án sử dụng vốn vay ODA.

Các hạng mục của dự án đến nay đều đảm bảo về chất lượng và tiến độ hoàn thành theo đúng yêu cầu của hợp đồng. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò Ban QLDA Thăng Long trong công tác chỉ đạo, điều hành dự án, mọi thứ đều rất bài bản, chuyên nghiệp”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hoàn thành, đưa vào khai thác không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với ngành GTVT mà còn tác động lớn đến giao thông Thủ đô. Bởi cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khớp nối và khép kín tuyến đường Vành đai 3 trên cao từ Bắc Hồ Linh Đàm đến cầu Thăng Long, góp phần rất lớn trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô Hà Nội.

“Đặc biệt, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long kết hợp với tuyến Vành đai đi thấp bên dưới đã hoàn thành mở rộng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc trước đây thường xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng, nhất là tại các khu vực nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn… Đồng thời, nâng cao năng lực lưu thông, đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua khu vực. Hơn nữa, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long còn góp phần kết nối tâm TP Hà Nội đi sân bay Nội và khu vực lân cận, thúc đẩy phát triển KT-XH của Thủ đô và các tỉnh xung quanh”, ông Viện nói.

Phương tiện lưu ý khi di chuyển trên cầu cạn

Theo Ban QLDA Thăng Long, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thông xe đưa vào khai thác trùng với thời điểm cầu Thăng Long đang tiến hành sửa chữa mặt cầu (Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư) cấm tuyệt đối phương tiện lưu thông trong thời gian sửa chữa. Do đó, phương án tổ chức giao thông và kết nối hạ tầng giao thông của dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được thực hiện như sau:

- Các phương tiện hướng từ nút giao Mai Dịch đi Nguyễn Hoàng Tôn, khu đô thị Ciputra: Lên cầu cạn tại đường dẫn và mố A1 sau đó lưu thông đến cuối cầu cạn vòng lại sau mố A2 (phạm vi đường dẫn phía nam cầu Thăng Long) đi xuống nút giao nam Thăng Long (theo nhánh B).

- Các phương tiện hướng từ Nguyễn Hoàng Tôn, khu đô thị Ciputra đi nút giao Mai Dịch: Đi theo nhánh A của nút giao Nam Thăng Long lên cầu cạn, vòng lại sau mố A2 (phạm vi đường dẫn phía nam cầu Thăng Long) đi trên cao sau đó xuống tại điểm đầu của dự án (gần nút giao Mai Dịch).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.