Hạ tầng

Thủ Đức cần gì để thành “siêu đô thị” hiện đại?

29/04/2021, 06:53

Nhìn tổng thể Thủ Đức vẫn cần thêm nhiều thời gian, nguồn lực mang tính đột phá để phát triển với kỳ vọng về một “siêu đô thị” hiện đại.

img

Một góc TP Thủ Đức đoạn qua cụm ĐH Quốc gia TP HCM và Khu du lịch Suối Tiên. Ảnh: Hoàng Giang

Tính đến nay, TP Thủ Đức ra đời vừa tròn 4 tháng. Đây là khoảng thời gian chưa phải là dài, chỉ mới đủ để từng bước hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp.

Chưa thể “cất cánh” khi thiếu hạ tầng giao thông

Ngoại trừ hướng Tây giáp quận 1, Gò Vấp, Bình Thạnh, hiện nay kết nối giao thông có phần thuận lợi bởi những cầu đường đã được đầu tư, các hướng còn lại của TP Thủ Đức vẫn còn bế tắc.

Hướng phía Bắc, giáp TP Thuận An và TP Dĩ An của tỉnh Bình Dương qua các tuyến QL1, QL1K, QL13. Thế nhưng các tuyến đường này hiện đang quá tải nghiêm trọng, ùn tắc, kẹt xe liên tục.

Hướng phía Nam từ quận 7 qua cầu Phú Mỹ, nút giao Mỹ Thuỷ có những hôm kẹt hơn 2 giờ. Hướng phía Đông về Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai) hiện chỉ có cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng thường xuyên ùn tắc.

Việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP Thủ Đức đáp ứng được các tiêu chuẩn đô thị loại I của thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, TP Thủ Đức có quy mô 211,56km2 và dân số 1.013.795 người, gồm 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện nay TP Thủ Đức đang đóng góp trên 30% ngân sách cho TP HCM.


Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, việc quy hoạch xây dựng TP Thủ Đức hướng đến một “siêu đô thị” hiện đại, tầm vóc khu vực là hoàn toàn đúng đắn. Muốn làm được điều đó, trước hết hệ thống hạ tầng giao thông phải được đầu tư sớm, đồng bộ.

“Nhưng tuyến Vành đai 2 hơn 10 năm qua vẫn chưa khép kín, giờ đặt mục tiêu đến năm 2025. Vành đai 3 qua TP HCM chưa làm đoạn nào, mục tiêu đến năm 2030. Hạ tầng giao thông mà chậm như vậy thì sao Thủ Đức cất cánh?”, bà Hoà đặt vấn đề.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, TP Thủ Đức là bước đột phá để thực hiện chủ trương có từ hàng chục năm nay nhưng chưa hiệu quả, đó là phát triển TP HCM theo hướng đa trung tâm. Đây cũng là hướng phát triển chính nhằm giải quyết các vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường. “Nếu được đầu tư hạ tầng giao thông kết nối tốt như quy hoạch đã được phê duyệt, TP Thủ Đức sẽ cùng các đô thị hiện hữu như: Biên Hòa, Dĩ An, Nhơn Trạch, đô thị CHK Long Thành, Phú Mỹ… hình thành một chuỗi đô thị hiện đại xứng tầm khu vực”, ông Lịch nói.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đang chuẩn bị các bước để cuối năm nay khởi công tuyến Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch. Tuyến này sẽ có một cầu có khẩu độ lớn bắc qua sông Đồng Nai để kết nối TP Thủ Đức với Nhơn Trạch. Cùng với đó, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang chuẩn bị các thủ tục để mở rộng lên 8 làn xe trước năm 2025.

Đối với giao thông nội khu vực, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, tuyến metro số 1 hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2022 sẽ là tiền đề cho việc hướng đến một hệ thống giao thông hiện đại kết nối TP Thủ Đức với trung tâm.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP HCM sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, bao gồm xây dựng đoạn kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m, xây dựng đường kết nối cảng Cát Lái với đường Vành đai 2.

Bên cạnh đó, TP đã thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển, với nguồn thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm và chỉ tập trung đầu tư cho những tuyến đường ra vào cảng. Trong đó, khu vực TP Thủ Đức có nhiều tuyến đường quan trọng như Vành đai 2, Mai Chí Thọ, Võ Chí Công, đường dẫn lên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dâu Giây.

Quy hoạch không phải “vẽ cho đẹp” là xong

Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch TP Thủ Đức có vai trò rất quan trọng, bởi đây là mô hình chưa có tiền lệ; thành phố trong thành phố.

Việc quy hoạch phải nằm trong tầm nhìn điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM và trong quy hoạch Vùng TP HCM. TP Thủ Đức phải nằm trong tổng thể quy hoạch vùng như vậy mới đạt mục tiêu đặt ra là xây một đô thị tiên tiến hàng đầu của TP HCM và khu vực.

“Tôi được biết hiện TP HCM đang đẩy nhanh để trong vòng 1 đến 2 năm là hoàn thành quy hoạch TP Thủ Đức. Trong khi đó, TP cũng đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch địa giới chung TP HCM”, ông Sơn nói và cho rằng, muốn phát triển TP Thủ Đức xứng tầm, phải có sự đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối, hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển các khu đô thị. Điều này đòi hỏi một nguồn vốn khổng lồ mà TP HCM chưa chắc đáp ứng được, phải có nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn xã hội hóa khác.

Vì vậy, cần có một định hướng quy hoạch để phát triển TP Thủ Đức. Quy hoạch đó phải gắn với thực tiễn mới thu hút được hàng tỷ USD của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Sơn, cần phân biệt ở đây không phải là quy hoạch phát triển địa ốc, bởi nhà đầu tư địa ốc chỉ quan tâm đến xây nhà rồi bán, không quan tâm đến hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… kết nối xung quanh. Đây là phát triển đô thị, phải mang tính cân đối giữa các ngành, lĩnh vực với nhau, đem lại công ăn việc làm cho người dân. Những việc đó phải có sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, Bộ Tài chính… phối hợp với UBND TP HCM mới thực hiện được.

TP Thủ Đức hiện đang có 1 triệu dân, khi phát triển đô thị mới, sẽ thu hút thêm từ 500 nghìn đến 1 triệu dân mới. Đi kèm với đó thì không gian đô thị phải hiện đại, tiên tiến, mang bản sắc của thế kỷ XIX, tức là đô thị thông minh, đô thị công nghệ cao, có metro, giao thông hiện đại…

“Vấn đề quan trọng là nguồn lực thực hiện. Điều này cũng quay trở lại vấn đề quy hoạch. Khi Nhà nước không có đủ tiền để xây dựng một thành phố hiện đại thì quy hoạch đó phải đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ hàng trăm tỷ USD vào”, ông Sơn nói, đồng thời nhấn mạnh, muốn làm được điều này, quy hoạch phải xứng tầm. Không phải vẽ cho đẹp là được, mà phải mang tính khả thi rất cao về mặt kinh tế xã hội. Khi đó, nhà đầu tư thấy cơ hội, họ mới rót tiền vào.

“Quy hoạch hiện nay cũng đã có định hướng rồi, nhưng theo tôi cần có nghiên cứu sâu hơn. Nếu vẫn làm theo cách cũ, vẽ lên các khu vực với nhà cao tầng, màu sắc rất đẹp, nhưng không có tiền xây thì quy hoạch cũng chỉ nằm trên giấy”, ông Sơn cho hay.

Thành phố đặc thù cần cơ chế đặc thù

Để xây dựng Thủ Đức thành một “siêu đô thị” liên vùng như kỳ vọng, lãnh đạo thành phố này đã quyết liệt bắt tay ngay vào công việc. Chỉ trong 4 tháng đã cơ bản hoàn thành kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự chủ chốt các cấp.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, trong quý I/2021, tổng thu ngân sách Nhà nước của TP Thủ Đức ước đạt hơn 2.172 tỷ đồng (đạt hơn 26% tổng dự toán năm). Trong năm 2021, Thủ Đức triển khai thi công 10 công trình trọng điểm, chuẩn bị thủ tục đầu tư 7 công trình khác. Cùng với đó, có 6 dự án đang hoàn tất công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Nhận thấy rõ hạ tầng giao thông là điểm nghẽn, tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM ngày 27/3, lãnh đạo TP Thủ Đức đã đề xuất nhiều giải pháp, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thủ Đức.

Cụ thể, đề xuất cho TP Thủ Đức được chủ động sử dụng 100% nguồn thu từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản dôi dư sau khi sắp xếp để làm nguồn đầu tư cho hạ tầng. Đồng thời cho sử dụng 50% nguồn thu từ đấu giá tài sản, trụ sở công sản do UBND TP HCM quản lý để bồi thường GPMB, tạo nguồn đất sạch kêu gọi đầu tư. Theo thống kê có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư với diện tích 21.520m2, nếu đấu giá sẽ thu được hơn 1.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Thủ Đức cũng kiến nghị nâng tỷ lệ các quận, huyện được hưởng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp lên 23% thay vì 18% như hiện nay. Sau 5 năm, nguồn thu này sẽ giúp TP Thủ Đức tăng thêm 1.296 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hành chính, Thủ Đức kiến nghị được uỷ quyền phê duyệt các dự án đầu tư công thuộc nhóm B, C (khoảng 158 dự án) để rút ngắn thời gian thẩm định phê duyệt; Hoặc uỷ quyền cho Thủ Đức thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bởi nhiều dự án cấp bách hiện nay như nút giao Mỹ Thủy, cầu Nam Lý… tiến độ rất chậm vì vướng mặt bằng.

Tại hội nghị BCH Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ 2, khóa I, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào sáng 10/4, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, trong một thời gian ngắn, TP Thủ Đức đã làm được nhiều điều đáng ghi nhận. Về những kiến nghị của lãnh đạo TP Thủ Đức, ông Nên yêu cầu sớm hoàn thiện cơ chế đặc thù để kiến nghị lên Chính phủ, Trung ương, Quốc hội càng sớm càng tốt. “TP Thủ Đức với điều kiện đặc thù thì phải có cơ chế đặc thù”, ông Nên nói.

Tư Doãn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.