Xã hội

Thu giá chia sẻ dữ liệu dân cư: Không thể khai thác tự do

20/07/2018, 11:09

Theo Bộ Tư pháp, nếu không có quy định của luật, việc tự ý khai thác thông tin cá nhân là bất hợp pháp.

bo-tu-phap

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) 

Liên quan đến việc Hà Nội đề xuất thu giá chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu dân cư, tại buổi họp báo quý II/2018 về công tác tư pháp diễn ra ngày 20/7, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã trả lời về một số vấn đề pháp lý trong đề xuất này.

Theo ông Khanh, hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào chính thức quy định chi tiết những nội dung gì được coi là bí mật cá nhân, dù quyền bảo vệ bí mật cá nhân đã được quy định trong một số văn bản Luật.

Dưới góc độ hộ tịch, theo ông Khanh, Luật Hộ tịch quy định bao gồm tất cả thông tin khai sinh, kết hôn, khai tử... Đây được coi là thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm toàn bộ thông tin của người dân Việt Nam, được thu thập 15 trường thông tin, trong đó có 9 trường là thông tin hộ tịch như họ tên, giới tính, số định danh cá nhân…

"Với tư cách thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên thông tin hộ tịch được cập nhật thường xuyên. Thông tin này được bảo mật với cơ sở hộ tịch nói chung và cá nhân nói riêng, đã được quy định trong Luật" - ông Khanh nói.

Dẫn quy định trong Luật Hộ tịch, ông Khanh cho biết, Điều 59 Luật này quy định về nguyên tắc kết nối, khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch trong cơ sở dữ liệu nói chung. Theo đó, để khai thác những thông tin này, đến năm 2019, Bộ Tư pháp sẽ soạn thảo Nghị định về quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử để trình Chính phủ, trong đó sẽ nêu lên nguyên tắc, trình tự thủ tục, kết nối thế nào, chia sẻ ra sao, khai thác cơ sở dữ liệu thế nào.

Về nguyên tắc bảo mật, Điều 61 Luật Hộ tịch quy định: Chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được khai thác thông tin tin hộ tịch trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. "Như vậy, nếu pháp luật chưa quy định, bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào tự ý khai thác những thông tin này sẽ được coi là bất hợp pháp" - ông Khanh nhấn mạnh.

Ông Khanh cũng nhắc đến trách nhiệm của người đăng ký hộ tịch được quy định trong Điều 74 của Luật Hộ tịch. Theo đó, công chức làm công tác hộ tịch phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật trước việc để  lộ những thông tin mình biết được trong quá trình đăng ký hộ tịch. "Quy định Luật hộ tịch quy định rất chặt chẽ. Việc khai thác phải tuân theo quy định của pháp luật chứ không thể khai thác tự do được" - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực khẳng định.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu dân cư.

Theo ông Chung, dữ liệu dân cư sẽ được chia sẻ cho một số lĩnh vực như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho biết thêm, nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm TP Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…); Chính phủ sớm có hướng dẫn quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành với bộ, ban, ngành. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.