Bãi tắm Hoàng hậu, điểm du lịch nức tiếng của Quy Nhơn |
Cách trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) gần 3km về hướng Đông-Nam, khu du lịch Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Bãi tắm Hoàng hậu, suối Tiên làm nao lòng biết bao lữ khách. Nơi đây còn là chốn yên nghỉ của thi nhân đoản mệnh Hàn Mặc Tử.
Một lần thử làm… hoàng hậu
Từ trung tâm TP Quy Nhơn, chúng tôi phi xe máy lên khu du lịch Ghềnh Ráng. Chưa đầy 15 phút, ngọn đồi Ghềnh Ráng ẩn hiện trong làn sương sớm với bạt ngàn cây lá.
Qua con đường bê tông ngoằn ngoèo, bãi tắm Hoàng hậu hiện ra với sự thơ mộng đến nao lòng. Trước mắt chúng tôi là bãi đá với vô vàn những hòn đá hình trứng chim nằm sát nhau. “Vì những hòn đá hình trứng nằm sát với nhau như một tổ chim nên nơi đây còn gọi là bãi trứng”, một người bạn của chúng tôi giới thiệu.
Bao quanh bãi trứng là những tảng đá nhám lớn, thoạt trông như một tổ chim thực sự. Người bạn còn chỉ chúng tôi đi chân trần trên những tảng đá nhám này sẽ có cảm giác tuyệt vời như đang được mát-xa bàn chân.
Sóng đánh mạnh vào hốc đá, bãi tắm ẩn hiện dưới lớp bọt trắng xóa, lộng lẫy đúng như tên gọi - bãi tắm Hoàng hậu. Theo sử sách ghi lại, năm 1927, vua Bảo Đại đến đây du ngoạn và cho xây khu nhà nghỉ và sân thể thao bên cạnh bãi tắm. Bãi tắm này khi đó chỉ dành riêng cho Nam Phương Hoàng hậu tắm nên nơi đây còn có tên là bãi tắm Hoàng hậu.
Đặt chân xuống bãi đá, chúng tôi vội lao xuống nước để trải nghiệm cảm giác làm... hoàng hậu. Nước mát lạnh, cảm giác sóng biển dạt vào người dịu dàng như nụ hôn của cô gái xuân thì.
Du khách vui chơi, ngắm cảnh bên bãi tắm Hoàng hậu |
Theo bóng... Tiên sa
Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Ghềnh Ráng một vẻ đẹp làm mê đắm lòng người. Mặt giáp biển của Ghềnh Ráng đá ngổn ngang, tạo thành hang, thành ghềnh quanh năm đắm mình cùng sóng biển.
Cái tên Ghềnh Ráng do người đi biển đặt ra, bởi nơi đây nhiều ghềnh, lắm rạn. Khi tàu bè đi qua đây các thủy thủ phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại. Thao tác này trong nghề đi biển gọi là ráng. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Ghềnh Ráng.
Từ trung tâm TP Quảng Ngãi, bạn có thể chọn xe khách tuyến Quy Nhơn để về thẳng bến xe trung tâm TP Quy Nhơn, ngay dưới chân ngọn đồi Ghềnh Ráng. Từ bến xe, du khách có thể gọi taxi lên khu du lịch với quãng đường chỉ 2km. Từ Phú Yên dọc theo QL1 theo hướng Nam - Bắc rồi qua đường Quy Nhơn - Sông Cầu, lên đỉnh đồi Ghềnh Ráng thưởng ngoạn vẻ đẹp toàn cảnh TP Quy Nhơn trước khi vào khu du lịch. Nếu có thời gian, bạn có thể thăm một số điểm du lịch nức tiếng khác của Quy Nhơn như: Hầm Hô, Tháp Đôi… |
Nơi đây còn lưu truyền một câu chuyện cổ tích về dấu vết Tiên sa. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở Bồng Sơn có người con gái đẹp nết na, thùy mị nổi tiếng. Lớn lên cô gái phải lòng một chàng trai trong làng. Nhưng sắc đẹp của nàng đã làm viên quan huyện mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, nàng khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin, quan huyện sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, sấm chớp đùng đùng, núi nứt một khe lớn rồi cô gái biến mất. Khi sấm tan trời tạnh, khe núi biến thành một dòng suối uốn lượn trên sườn núi.
Về phần chàng trai, nghe tin người yêu mất tích nên chạy tìm khắp nơi. Đến Ghềnh Ráng trong đêm chàng chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi. Từ đó, mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người ta lại nghĩ đến cô gái năm nào về thăm người yêu. Có lẽ vì thế nên nơi đây còn được gọi là Ghềnh Ráng - Tiên Sa.
Nếu có dịp ở lại Ghềnh Ráng ban đêm, du khách có thể ngắm được vẻ huyền ảo của Ghềnh Ráng. Dưới chân núi, từng đợt sóng biển quyện với ánh đèn của những chiếc thuyền đi biển ngoài xa vào vách đá lúc mờ lúc tỏ. Từ đây nhìn ra con đường Quy Nhơn - Sông Cầu, những ánh đèn pha của dòng xe cộ nối đuôi nhau tạo thành một dải sáng đẹp mê hồn.
Theo người bạn bản địa của chúng tôi, Ghềnh Ráng còn là nơi an nghỉ của thi nhân đoản mệnh Hàn Mặc Tử. Vượt qua dốc Mộng Cầm rẽ vào con đường bậc thang sẽ đến mộ của thi nhân trong rừng thông thanh tịnh. Cách đó 100m là nơi viết thơ Hàn bằng bút lửa của nghệ nhân Dzũ Kha. Nhiều du khách đến Ghềnh Ráng không chỉ là đi cho biết mà còn để hòa mình vào không gian non nước hữu tình của thiên đường du lịch mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận