Tài chính

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng

21/10/2020, 08:33

Chính phủ sẽ tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng. Trong đó có các dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành.

img
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Sáng 20/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày các báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, dự kiến năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều điểm sáng được chỉ ra, song báo cáo cũng cho thấy không ít thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt.

Chi thường xuyên vẫn cao

Chiều 20/10, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2021.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 tình hình KT-XH gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai. Dự ước cả năm thu ngân sách đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó, thu tại nhiều địa phương đạt thấp, như Hà Nội chỉ đạt 58,8%, TP HCM đạt 58,1%, Hải Phòng đạt 55,1%, Khánh Hòa 51,8%...

Ước chi ngân sách năm nay khoảng 1,68 triệu tỷ đồng, giảm 60.890 tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Dù, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, nhưng vốn chi ngân sách Nhà nước thường xuyên ước thực hiện chi cả năm là 1, 7 triệu tỷ đồng, vẫn tăng 12 nghìn tỷ đồng (tăng 1,1%) so với dự toán, chủ yếu là tăng do sử dụng dự phòng để chi cho công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, kết quả bội chi tăng cao là hợp lý bởi ảnh hưởng của Covid-19, thiên tai khiến các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối không đạt được dự toán Quốc hội giao.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, nhiều khả năng bội chi sẽ tăng thêm 38.500 tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi còn vượt dự toán cao.

Đối với các chỉ tiêu về nợ công, ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu. Điều này là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Ngoài ra, Ủy ban cũng lưu ý tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm nay còn cao (63,4%), trong khi việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Bàn về những con số trên, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, con số bội chi năm nay nên được xem xét trong bối cảnh riêng, khi kinh tế chịu tác động nặng nề của Covid-19. Không riêng Việt Nam, tình trạng thâm hụt của nhiều nước trên thế giới cũng tăng cao vì các gói hỗ trợ kinh tế.

Ông Kiên cũng cho rằng, nên tách giai đoạn 5 năm 2016-2020 thành hai, gồm 2016-2019 và năm 2020 để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, do năm nay là “năm rất đặc thù”. Nếu xem xét như vậy, giai đoạn 2016-2019 sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế đề ra.

“Trong khi năm nay, Việt Nam đối mặt với hai lần bùng phát dịch Covid-19, diễn biến bất thường của thiên tai. Nếu so với chính chúng ta thì không đạt, nhưng nếu so với khu vực và thế giới thì Việt Nam vẫn là một điểm sáng”, ông Kiên nói.

Tăng trưởng nhờ nội lực

img
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Thủ tướng cho biết, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

Về mục tiêu này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho biết, đứng trước sự khó khăn do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đã và đang thực hiện đa mục tiêu như đảm bảo an sinh xã hội và có chính sách tài khóa để cho các doanh nghiệp có cơ hội đứng vững, không bị phá sản.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, vẫn có một số chính sách doanh nghiệp lại khó có thể tiếp cận được. “Đứng trước thực tế đó, vừa qua Chính phủ tiếp tục điều chỉnh những chính sách để đi vào thực tế hơn. Hy vọng những điều chỉnh trong thời gian tới thì các chính sách sẽ đến được với doanh nghiệp, người dân một cách kịp thời”, ông Sinh nói.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện nay cần phải lắng nghe xem doanh nghiệp đang cần cái gì để làm căn cứ đưa ra các giải pháp. “Đây chính là thời gian mà các ĐBQH phải sát cánh cùng Chính phủ để kịp thời phản ánh các kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp”, ông Kiên nói.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng

img
Năm 2020, ngành GTVT dự kiến khởi công và hoàn thành 48 dự án (kỷ lục trong vòng 4 năm qua), góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Trong ảnh: Cầu Thịnh Long có tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng nối đôi bờ sông Ninh Cơ, Nam Định khánh thành cuối tháng 5/2020). Ảnh: Đình Quang

Cũng trong báo cáo của Chính phủ, ngoài việc xin trình các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2021 (trong đó GDP tăng khoảng 6%, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%), Thủ tướng cũng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng. Trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.

Đồng tình với mục tiêu phát triển đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, ĐBQH Đỗ Văn Sinh phân tích, trong bối cảnh thu không đủ chi, nếu dừng lại việc đầu tư này thì các công trình, dự án có nguy cơ dở dang.

“Quan điểm của tôi là kể cả ngân sách có hụt thu thì những dự án, công trình đang đầu tư chuyển tiếp thì vẫn phải tiếp tục đầu tư. Vì nếu dừng là lãng phí. Những công trình mới thì cần phải xem xét, cái gì cần thiết, phát huy hiệu quả thì mới đầu tư, tránh sự dàn trải”, ông Sinh nhấn mạnh.

Đồng tình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cũng cho rằng, những dự án đầu tư công được triển khai thời gian qua đều là dự án lớn, quan trọng của quốc gia, nếu triển khai kịp thời sẽ tạo nền tảng hạ tầng cơ sở tốt, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trong những năm tới.

Quốc hội chia sẻ mất mát về người và tài sản do mưa lũ

img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Phiên khai mạc được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Các vị ĐBQH ở các địa phương và khách mời địa phương dự họp trực tuyến tại 63 điểm cầu thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên trù bị, Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (ĐBQH Đoàn Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Tư lệnh Quân khu 4) và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong lúc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cùng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tử nạn do thiên tai.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung vẫn đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này, đồng thời yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến cực đoan của thời tiết, có các giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ, ổn định đời sống và sản xuất.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tiến hành thành hai đợt, đợt 1 họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung. Đây là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, là dịp để Quốc hội nhìn nhận lại những vấn đề đã khẳng định với cử tri trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 4 dự án luật khác nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành công tác nhân sự và thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.P.Đô

Đề nghị chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021

img
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến của các ủy viên Ủy ban cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.

Trước đó, việc điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình được tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng từ 1/7/2020. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị chưa tăng lương cơ sở vào thời điểm này.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong 9 tháng đầu năm thực hiện khoảng 57,2% so dự toán, dự ước cả năm là 495,36 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với dự toán.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, mặc dù Chính phủ có nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng so với kế hoạch đề ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là vốn ODA, hết 9 tháng mới giải ngân đạt 24,8% dự toán; lần đầu tiên một số bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao.

Việc điều chuyển vốn đầu tư công còn chậm và chưa kiên quyết, cho đến nay, vẫn còn tình trạng giao vốn chưa hết, chưa đúng quy định của pháp luật: Thủ tục giao vốn vẫn còn rườm rà, phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; nhiều dự án có ý nghĩa lớn đến phát triển KT-XH chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.

Hầu hết doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Theo ông Mẫn, cử tri, nhân dân đánh giá cao sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc chủ động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ về thực hiện các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch Covid-19 thời gian qua còn chậm. Hầu hết doanh nghiệp và nhiều người dân đến nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Cử tri và nhân dân còn bức xúc về một số dự án đầu tư công tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công; khẩn trương khắc phục tình trạng sử dụng đất đai kém hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.