Hàng không

Thử nghiệm công nghệ điều phối khai thác siêu hiện đại tại 2 sân bay lớn

27/03/2023, 06:00

Cục Hàng không vừa chấp thuận Kế hoạch khai thác thử nghiệm mô hình A-CDM tại 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

ICAO khuyến cáo áp dụng tại sân bay có tần suất cất hạ cánh trên 100.000 lượt chuyến/năm

Theo thông tin của Báo Giao thông, Cục Hàng không VN đã phê duyệt Tài liệu hướng dẫn khai thác áp dụng mô hình A-CDM cho giai đoạn 1 và Kế hoạch thử nghiệm thực tế tại 2 Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

img

Trung tâm Điều phối khai thác Nội Bài

Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, tại các sân bay có sản lượng vận chuyển lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các quy trình hiện tại chưa tối ưu hiệu quả khai thác.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thông tin chưa thông suốt giữa các đơn vị, mỗi đơn vị thực hiện các quy trình riêng rẽ nên chưa tối ưu hóa các tài nguyên.

Trong các tài liệu hướng dẫn triển khai mô hình A-CDM của ICAO, A-CDM được định nghĩa là Quy trình phối hợp giữa các đơn vị để ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay.

A-CDM cung cấp một nền tảng phần mềm chung để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay.

Cùng đó, việc khai thác theo nguyên tắc “đến trước, phục vụ trước” dẫn đến nhiều trường hợp xáo trộn thứ tự khởi hành.

Nhiều tàu bay phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh, khó có thể kiểm soát được thời gian lăn; giữa hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất, cảng hàng không, đơn vị quản lý bay chưa có phương án tối ưu để chia sẻ thông tin về quá trình tàu bay quay đầu cũng như trạng thái hoãn chuyến theo thời gian thực…

“Công tác phối hợp ra quyết định tại Cảng hàng không (A-CDM) với quy trình chặt chẽ, với nền tảng thông tin thông suốt, với sự phối hợp chia sẻ thông tin theo quy trình thống nhất và đồng bộ giữa các mắt xích sẽ giải quyết được các tồn tại nêu trên”, Cục Hàng không VN cho hay.

Được biết, theo kế hoạch, giai đoạn 1 được đưa vào thử nghiệm ngay trong tháng 3/2023. Cụ thể, Cảng HKQT Nội Bài sẽ triển khai thử nghiệm từ 6/3 đến ngày 30/4. Cảng HKQT Tân Sơn Nhất triển khai từ ngày 27/3 đến 27/4.

Bớt tình trạng bay vòng chờ hạ cánh, khách bay hưởng lợi

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho hay: Thực hiện cam kết với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về lộ trình thực hiện A-CDM trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ACV đã thiết lập mô hình A-CDM tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Đơn vị tư vấn hàng không đến từ Hà Lan.

“ICAO khuyến cáo các cảng hàng không, sân bay có tần suất cất hạ cánh trên 100.000 lượt chuyến/năm nên áp dụng mô hình A-CDM”, lãnh đạo ACV nói và cho biết thêm: Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai cảng HKQT lớn nhất cả nước với sản lượng chuyến bay đều đạt trên 100.000 lượt chuyến/năm.

Cụ thể, trước dịch Covid-19, sản lượng chuyến bay năm 2019 của Nội Bài đã đạt 189 ngàn lượt chuyến bay. Theo kế hoạch được giao năm nay, chỉ tiêu cất hạ cánh phải đạt trên 187 ngàn lượt chuyến bay.

Với Tân Sơn Nhất, con số tương ứng năm 2019 là hơn 260 ngàn lượt chuyến bay, kế hoạch năm 2023, chỉ tiêu cất hạ cánh phải đạt tương đương, 256 ngàn lượt chuyến bay.

“Việc triển khai A-CDM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay; cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ, giảm thiểu các kế hoạch phân bổ vị trí đỗ, quầy làm thủ tục, cửa ra máy bay; tối ưu thời gian quay đầu của tàu bay; cải thiện khả năng dự báo tình huống và tiết kiệm thời gian bay; giảm thiểu tắc nghẽn trên đường lăn, sân đỗ; Tối ưu thứ tự khởi hành; Tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả vận chuyển…”, lãnh đạo ACV khẳng định.

Theo ICAO, A-CDM hiện đã được phổ biến tại nhiều sân bay tiên tiến trên thế giới.

Tại khu vực châu Á, mô hình A-CDM đã được triển khai tại các sân bay lớn như: Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan), Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc)…

Với hành khách, khi bay qua các cảng hàng không có hệ thống A-CDM sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao, hạn chế những tình huống bay vòng để chờ hạ cánh, giảm thiểu các tình huống tàu bay dừng chờ lâu trên đường băng, đồng thời công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được phục vụ tốt hơn…

“Trong trường hợp sân bay đến mật độ bay quá dày hay thời tiết dự báo không thuận lợi, thay vì chuyến bay khởi hành theo kế hoạch và bay vòng trên trời để chờ tiếp thu thì sân bay đến (có A-CDM) thông báo giờ cất cánh tính toán. Theo đó, sẽ điều chỉnh lại giờ cất cánh cho phù hợp, khách chỉ phải chờ tại nhà ga, khởi hành theo thời gian mới, không phải bay vòng chờ tại nơi đến.

Việc này vừa tiết kiệm nhiên liệu cho hãng, vừa đem lại những trải nghiệm thuận tiện hơn cho hành khách khi bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.