Xã hội

"Thu nhập thấp đã và đang bào mòn liêm sỉ một bộ phận không nhỏ cán bộ"

01/06/2022, 11:53

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, thu nhập thấp đã và đang bào mòn liêm sỉ một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đại dịch nhiều cán bộ khó khăn nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng

Hôm nay (1/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

img

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh)

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Đó là, tình trạng lợi dụng kẽ hở thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán; thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh…

Để hạn chế tình trạng trên, theo đại biểu Phương, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm của bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu.

"Thực tế thể chế còn nhiều điểm nghẽn, có nhiều thủ tục không có trong quy định. Thêm vào đó là tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, sợ liên đới, ngại khó, ngại khổ; mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… ở không ít cán bộ quản lý", đại biểu Phương nói.

Đại biểu đoàn Tây Ninh còn đề xuất tiếp tục có những biện pháp pháp luật hành chính, kinh tế đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp cả ở khu vực công và khu vực tư.

Ngoài ra, theo ông Huỳnh Thanh Phương, cử tri cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực với cán bộ công chức, viên chức, là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống.

"Trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động bị ảnh hưởng, rất khó khăn trong cuộc sống, nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức", ông Phương nêu ý kiến.

Đại biểu Phương kiến nghị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động. "Cần nhận thức rằng, đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta", đại biểu đoàn Tây Ninh nói.

img

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

"5% người lao động chỉ được ăn thịt cá khoảng 1 - 2 lần/tuần"

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, trong thời gian qua mặc dù Đảng, nhà nước, xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng phần lớn bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch.

"Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và công đoàn cho thấy, có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt cá khoảng 1 -2 lần/tuần, 34% cho biết chỉ được ăn thịt, cá từ 2 - 3 lần/tuần, 41% chỉ đủ tiền mua những loại thuốc cơ bản. Thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả", ông Nghĩa nói.

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội", đại biểu Nghĩa chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, Đại biểu Nghĩa đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng.

Thứ tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.