Quản lý

Thu phí hạ tầng cảng biển để làm gì?

23/11/2020, 05:58

Khi triển khai thu phí, ước tính mỗi năm TP.HCM sẽ có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng cảng biển.

img
Đường Mai Chí Thọ (TP HCM) thường xuyên ùn tắc khiến việc vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PV

Trước tình hình kẹt xe nghiêm trọng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hạn chế khả năng khai thác cảng, TP HCM đã xây dựng đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển. Mục tiêu đề án là tạo ra nguồn thu hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc, tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp. Khi triển khai thu phí, ước tính mỗi năm TP sẽ có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng cảng biển.

Nỗi ám ảnh kẹt xe, đường tắc

Cung đường từ Xa lộ Hà Nội đến Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống để vào cảng Cát Lái từ lâu nay là điểm thường xuyên ùn tắc. Mặc dù đã có cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chia tải nhưng nhiều hôm tình trạng kẹt xe vẫn diễn ra nghiêm trọng, kéo dài từ cảng Cát Lái ra đến Xa lộ Hà Nội với đoàn xe container xếp hàng cả chục kilômet.

Trong 2 năm qua, TP HCM đã đầu tư làm cầu vượt, hầm chui tại nút giao thông Mỹ Thủy, hạn chế giao cắt nhưng vẫn không giải quyết được nút thắt tại đây. Anh Nguyễn Chí Cường, một tài xế container cho biết, do ùn tắc, kẹt xe thường xuyên xảy ra trên cung đường dài nên cánh tài xế rất ám ảnh.

“Có hôm đi từ Thủ Đức vào Cát Lái, lấy hàng xong đi ra là hết ngày, muốn quay vào lấy hàng tiếp cũng không được vì đường quá tắc”, anh Cường nói và cho biết, nhiều tài xế chở hàng từ cảng về bị chậm phải chịu phạt rất oan.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, Cát Lái là cảng nằm trong số 30 cảng biển lớn nhất thế giới. Hệ thống cảng biển TP HCM không chỉ có Cát Lái mà gồm nhiều cảng khác trải dài qua các quận 2, 4, 7, 9 và huyện Nhà Bè.

Các cảng này được kết nối bởi các tuyến đường trục chính và đường nhánh như: Huỳnh Tấn Phát, liên cảng A5, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định… Toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng này đều được vận chuyển bằng đường bộ (chiếm khoảng 88%).

Chỉ tính riêng cảng Cát Lái, trung bình mỗi ngày có khoảng 19.000 - 20.000 ô tô ra vào thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đặc biệt, có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra vào dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông.

Theo số liệu kiểm đếm của Sở GTVT, thời gian quay vòng xe tải vào Cát Lái để lấy hàng là hai chuyến/ngày, còn xe container chỉ 1,5 chuyến/ngày. Điều nguy hiểm là do không có làn đường chuyên dụng cho xe container ra vào cảng mà phải chạy chung với các phương tiện khác nên tốc độ bị giảm, đặc biệt TNGT nghiêm trọng thường xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội vận tải hàng hoá TP HCM cho biết, do ùn tắc, kẹt xe tại các tuyến đường ra vào cảng khiến tỷ lệ quay vòng xe thấp, chi phí đầu tư xe tải, xe container của doanh nghiệp vận tải và dịch vụ logistics tăng lên.

Dự kiến thu được 3.200 tỷ đồng/năm

img
Đường vành đai 2 (TP HCM), một trong những tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái thường xuyên bị ùn tắc. Tuyến đường này đã lên kế hoạch xây dựng từ 15 năm nay nhưng đến nay vẫn còn 3 đoạn chưa khép kín vì thiếu vốn đầu tư

Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Hòa An cho biết, giai đoạn 2020 - 2030, TP HCM cần 970.654 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông. Nhu cầu là vậy nhưng thực tế vốn ngân sách phân bổ để đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2026 mới chỉ đáp ứng 24,6%.

Việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BT đã tạm dừng, còn BOT thì không khả quan. Các tuyến đường như Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, đường trục Bắc - Nam về Hiệp Phước đã dành đất ở giữa để mở rộng nhưng chưa biết khi nào làm vì không có tiền.

Trước thực tế trên, Sở GTVT TP HCM đã xây dựng “Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM” và đang lấy ý kiến các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Trong đó, Sở đề xuất sẽ thu phí cảng biển trên địa bàn thành phố theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (5 tháng đầu năm 2021), thu phí tại cảng Cát Lái. Thời gian này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác thu phí.

Giai đoạn 2 sẽ tổ chức thu phí toàn bộ cảng từ tháng 6/2021. Mức thu phí dự kiến đối với container 20 feet là 250.000 đồng, container 40 feet là 500.000 đồng và hàng lỏng, hàng rời là 16.000 đồng/tấn.

Theo thống kê số liệu, tổng lượng hàng hóa đóng trong container qua khu vực cảng biển TP HCM năm 2019 khoảng 5.383.936 TEU (không bao gồm vận chuyển nội địa). Trong đó, Tân Cảng - Cát Lái là 5.239.996 TEU (97% khối lượng hàng container của cả TP). Với thống kê trên, hàng năm thành phố sẽ thu được khoảng 3.201 tỷ đồng.

Dự kiến đề án thu phí vào cảng sẽ được trình HĐND TP HCM tại kỳ họp HĐND TP trong tháng 12 tới. Nếu được thông qua, việc thu phí sẽ được triển khai ngay trong quý II/2021.

Lo tăng chi phí logistics

Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết, Hiệp hội ủng hộ chủ trương thu phí cảng biển để đầu tư cho hạ tầng giao thông vào cảng, bởi hiện nay các tuyến đường vào cảng đều quá tải, kẹt xe ùn tắc. Tuy nhiên cần cân nhắc mức phí làm sao để doanh nghiệp logistics có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam cho rằng, khoản thu này là khoản tăng thêm bất thường, làm cho chi phí logistics tăng. Điều này ảnh hưởng đến các hãng tàu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá, làm cho chi phí xuất nhập khẩu tăng lên và cuối cùng là người tiêu dùng phải chịu khoản phí này.

Luật phí, lệ phí cho phép các địa phương thu khoản phí này và thực tế một số địa phương như Hải Phòng đã thực hiện từ nhiều năm trước. Việc thu là theo luật chứ thành phố không đặt thời gian thu là bao nhiêu năm. Khi nào luật có sự thay đổi, không cho thu nữa thì mới dừng.

Hạ tầng cảng biển có rất nhiều, không chỉ có đường bộ, mà cả đường thuỷ, cần nguồn đầu tư rất lớn. Không có phí này, thành phố vẫn dành ngân sách để đầu tư nhưng ngân sách quá ít, việc đầu tư sẽ rất lâu, trong khi kẹt xe, ùn tắc hàng ngày đang diễn ra, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Hòa An


Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, giờ đặt thêm một khoản phí sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.

“Chi phí logistics tại Việt Nam đã cao hơn so với các nước trong khu vực, phí này đánh vào hàng hóa xuất nhập khẩu, như vậy sẽ giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Long nói và đặt vấn đề: Nếu TP HCM thu được thì các địa phương khác cũng sẽ thu, như vậy sẽ tạo ra một hàng rào về thuế, phí.

Còn nói việc thu phí sẽ sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics, thì bao giờ làm đường xong, bao giờ hết tắc?

Đường quanh cảng có rất nhiều, thành phố cũng đã lên kế hoạch thực hiện từ lâu nhưng không làm được. Nếu chỉ thu phí và đầu tư các đường quanh cảng thì cũng không hiệu quả, bởi tắc đường xảy ra nhiều nơi chứ không riêng gì khu vực cảng.

Cùng quan điểm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đã nhận được đề án của Sở GTVT và đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp để gửi phản hồi đến Sở. “Chúng tôi rất lo ngại vì việc này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí logistics nói chung”, ông Hiệp nói.

Trấn an lo ngại này, ông Bùi Hòa An khẳng định, phí này chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng chi phí của một tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, khoảng 4%.

Bởi theo ông An, phí logistics của một container 20 feet hiện nay sau thông quan là khoảng 6,5 triệu đồng, container 40 feet khoảng 9,5 triệu đồng. Phí hạ tầng cảng biển chỉ thêm 250.000 đồng, vì vậy không phải là chi phí quá lớn.

Hiện nay dịch vụ logistics trong nội cảng tương đối tốt nhưng khi ra ngoài cảng lại ùn tắc, kẹt xe, khiến tổng chi phí logistics tăng lên. Khi hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, mỗi ngày doanh nghiệp có thể vận chuyển nhiều chuyến hàng, sẽ góp phần kéo giảm chi phí này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.