Điều tra

Thu sổ đỏ của dân 20 năm “quên" trả lại

31/05/2017, 09:22

219 hộ dân xóm 6 và 7 của xã này sau khi được cấp sổ đỏ bị chính quyền thu lại.

18

Bác Lam bên ngôi nhà cha mẹ để lại mà chưa có sổ đỏ

Sống ở nhà mình vẫn sợ... mất nhà

Những ngày cuối tháng 5, mặc dù đang vào mùa thu hoạch lúa vụ xuân, nhưng người dân ở 2 xóm 6 và 7, xã Diễn Thắng cũng không mặn mà ra đồng. Chuyện khiến họ quan tâm nhất hiện nay là làm sao sớm có lại được sổ đỏ đất ở, đất ruộng nhà mình. “Hơn 20 năm qua, chúng tôi sinh sống, canh tác ở đây, giờ nghe nói sắp có dự án mở rộng QL7, nếu không có sổ đỏ để chứng minh quyền sử dụng đất thì không biết khi Nhà nước mở đường, thu hồi đất chúng tôi sẽ sống ra sao”, chị Hồ Thị Hương, một trong các hộ bị cấp sai sổ đỏ ở xóm 6 lo ngại.

"Thực tế, nguyên nhân sự việc là do người dân được phát GCN QSDĐ mà không giữ gìn cẩn thận, cũng một phần do họ chưa có nhu cầu sử dụng giấy này. Mãi đến năm 2013, khi một số hộ có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì mới phát hiện sự việc và phản ánh lên huyện. Lúc này, huyện mới nắm được".

Ông Ngô Đình Tưu
Trưởng phòng TN&MT
huyện Diễn Châu

Theo chị Hương, gia đình chị được xã cấp cho 280m2 đất ven QL7 năm 1991. Sau khi nhận được quyết định giao đất của xã, gia đình chị xây nhà rồi ra đó ở tới nay. Thế nhưng, năm 1996, khi xã thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ), trên sổ đỏ lại không thể hiện mảnh đất này. “Thấy sổ đỏ chỉ ghi 8 mảnh đất ruộng với diện tích 2.555m2, gia đình tôi lên hỏi. Lúc đó, cán bộ xã bảo là do xóm ghi sót nên sẽ bổ sung sau. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều lần gia đình đề nghị xã bổ sung hoặc cấp sổ đỏ cho 280m2 đất ở này thì xã cứ khất lần không trả lời rõ. Giờ sắp có dự án mở đường, nhà không có sổ đỏ, không biết khi họ thu hồi có được bồi thường không hay phải ra đứng đường?”, chị Hương bức xúc.

Hay như trường hợp gia đình ông Trần Viết Lam (SN 1966, trú xóm 6) có 6 sào ruộng và hơn 300m2 đất ông cha để lại. "Mảnh đất này đứng tên cha đẻ tôi là Trần Viết Khởi (SN 1927). Năm 1996, ban đại diện xóm và xã kiện cáo nhau gì đó, rồi thu lại sổ đỏ của cha tôi cùng nhiều hộ trong xóm, từ đó đến nay không trả lại. Giờ cha tôi đã mất, di chúc ông để lại đất này cho tôi. Nhưng khi làm thừa kế thì không được vì thiếu sổ đỏ. Nói dại, nếu có tranh chấp thì không biết lấy gì ra chứng minh. Hỏi xóm, xóm nói lên xã, hỏi xã thì xã bảo đã đưa xuống xóm", ông Lam nói và cho hay, giờ muốn vay ngân hàng lấy tiền làm ăn cũng không được, muốn bán cũng chẳng xong vì không có sổ đỏ.

Sẽ lập hồ sơ cấp lại sổ đỏ cho dân

Theo tìm hiểu của PV, số hộ bị “mượn” sổ đỏ không trả hoặc bị sai lệch ở hai xóm 6, 7, xã Diễn Thắng lên đến 219 hộ. Một vài hộ đến nay may mắn còn giữ được sổ đỏ, là do lúc bấy giờ sổ của họ đang thế chấp ở ngân hàng nên không rút về được.

Lý giải về việc “mượn và làm mất sổ đỏ” đầy lạ kỳ xảy ra ở địa phương mình, ông Trần Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã Diễn Thắng cho biết, thực tế đây là lỗi của chính quyền và cũng là lỗi của người dân. Thời điểm năm 1994 - 1996, thực hiện quy định của Chính phủ về việc cấp GCN QSDĐ cho người dân, xã Diễn Thắng đã tiến hành cấp cho tất cả các hộ dân trong xã. Tuy nhiên, thời điểm đó cách làm đơn giản: Huyện cấp phôi và đóng sẵn dấu, xã hợp đồng với một số người viết số liệu vào phôi là thành sổ đỏ. Sau đó, xã thực hiện trao tượng trưng cho vài hộ, còn lại đưa cho xóm trưởng các xóm về phát cho dân.

“Sau đó không lâu, phát sinh nhiều vấn đề như: Số liệu viết trong sổ không khớp thực tế, lô sai vị trí, nhà thừa, nhà thiếu... buộc xã phải thành lập tổ đo đạc. Lúc này, ở xóm 6 và 7, xã có hợp đồng thuê xóm trưởng và một số thành viên trong xóm đi kiểm kê, đo đạc tại hiện trường cho xã. Đến khi công tác đo đạc kết thúc, giữa xã và tổ kiểm kê của hai xóm không thống nhất được khoản thù lao đo đạc, dẫn đến các tổ kiểm kê cầm luôn sổ đỏ của dân và không chịu trả để gây sức ép với xã. Sau nhiều năm, số sổ này bị mất, thất lạc, những người trong cuộc thì đã già nên không ai tìm lại được sổ nữa", ông Thanh cho biết.

Lý giải sự việc kéo dài tới 20 năm mà chính quyền không giải quyết, ông Thanh trần tình: "Dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp. Lâu nay, họ không có nhu cầu vay vốn hay làm gì mà cần sổ đỏ. Chỉ vài năm gần đây, họ nghe sắp có dự án mở đường QL7 nên mới sốt sắng đi tìm và làm lại".

Ông Hoàng Văn Bốn, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu cho biết, Huyện ủy đã chỉ đạo hơn 1 năm nay là phải rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng, đồng thời giao việc này cho UBND huyện, cùng UBND xã Diễn Thắng thực hiện.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Phan Xuân Vinh khẳng định, huyện đã lập đoàn thanh tra và có kết luận về việc này. Hiện, huyện đang giao cho xã lập hồ sơ các trường hợp bị mất, sai lệch trong GCN QSDĐ để huyện cấp lại cho dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.