Kinh tế

Thu thuế bán hàng qua facebook từ 1 triệu đồng khó khả thi

21/11/2017, 07:15

Đề xuất thu thuế bán hàng qua mạng facebook với mỗi món hàng có giá trị giao dịch từ 1 triệu đồng trở lên...

12

Việc thu thuế với giá trị sản phẩm từ 1 triệu đồng trở lên được cho là khó khả thi bởi tốn kém công sức trong khi số thu không lớn - Ảnh: Tạ Tôn

Đề xuất thu thuế bán hàng qua mạng facebook với mỗi món hàng có giá trị giao dịch từ 1 triệu đồng trở lên của ngành thuế được cho là khó khả thi do có thể tốn nhiều công sức, chi phí trong khi số thu không lớn.

Phương án thu chưa hợp lý

Chị Hoàng Thị. T.G. (ở Bắc Giang) vừa đóng gói 5 chiếc khăn lụa để giao cho khách hàng đặt mua qua mạng vừa cho biết, lượng hàng này được gom trong 2 ngày. “Hàng bán có ngày được, ngày không, ngày nhiều, ngày ít nên thu nhập không ổn định”, chị G. than thở. Theo lời chị G., trước đây chị làm việc cho một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu nhưng sau khi sinh con thì công ty có nhiều xáo trộn. Thu nhập giảm, trong khi con hay ốm đau, mỗi lần nghỉ lại trừ lương nên chị G. chọn việc bán hàng qua mạng. Hàng hóa (chủ yếu đồ thời trang) nhập từ Trung Quốc. “Mấy tháng đầu mới kinh doanh, mỗi tháng chỉ lãi một vài triệu đồng. Nay thu nhập có tăng nhưng chưa tính công lấy hàng, gói hàng”, chị G. nói.

Bộ Tài chính cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng Đề án và đề xuất các giải pháp cụ thể việc quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an... phối hợp thực hiện để đảm bảo hiệu quả.

Với những người kinh doanh qua facebook như chị G., Bộ Tài chính vừa đề xuất thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với một sản phẩm hàng hóa giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên. Hoặc một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày, cũng bị đánh thuế VAT và TNCN. Nội dung này được đề cập trong dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Chị G. cho biết, một số bạn bè kinh doanh giống chị ở Hà Nội đã được cơ quan thuế nhắn tin qua điện thoại hoặc mời lên làm việc. “Tôi cũng thấy lo lắng vì mức thu nhập của tôi hiện chưa đến mức chịu thuế TNCN, lại còn đang nuôi con nhỏ. Thời trang có mẫu bán chạy, mẫu ế ẩm. Mỗi mẫu tồn một vài sản phẩm là mất lãi, thậm chí lỗ. Nếu thu thuế theo từng giá trị món hàng bán ra sẽ không phản ánh đúng kết quả quá trình kinh doanh”, chị G. băn khoăn.

Một người bạn của chị G. tên Nguyễn Hồng Q., đang kinh doanh các đặc sản miền núi như: Trâu gác bếp, mắc khén, quế, hồi… cho biết, đồ khô thì rủi ro ít, song sản phẩm tươi sống chậm tiêu thụ thì mất cả tiền hàng, tiền công cũng mất luôn. “Nếu cơ quan thuế tính toán đủ tiền hàng, tiền công, tiền điện, tiền nước, tiền vận chuyển… và chỉ thu thuế ở tiền lãi thì tôi không lăn tăn gì. Ai buôn bán lãi nhiều thì sẽ đóng thuế”, Q. nêu quan điểm.

Tốn công sức cho số thu không lớn?

Ủng hộ quản lý thuế đối với thương mại điện tử để đảm bảo công bằng các đối tượng khi kinh doanh, song chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, phải nghiên cứu cách thu phù hợp vì phần lớn giao dịch hiện theo phương thức “tiền trao, cháo múc” nên khó xác định giá trị giao dịch. Tuy nhiên, theo một quan chức trong ngành Thuế, việc niêm yết giá, công bố trên mạng sẽ là cơ sở để cơ quan thuế phối hợp với các bên như thông tin truyền thông, ngân hàng… giám sát các giao dịch. “Nói chung việc thu thuế kinh doanh qua mạng không đơn giản nhưng không phải không làm được”, ông này khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phân tích, về nguyên tắc, đã kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế, kê khai và nộp thuế. Nhưng thực tế, chỉ có doanh nghiệp và một bộ phận cá nhân kinh doanh chấp hành nguyên tắc này. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị có chính sách để quản lý thu thuế đối với các cá nhân bán hàng qua mạng mà chưa kê khai và nộp thuế nhằm đảm bảo công bằng với các đối tượng kinh doanh khác, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế. Ông Tuấn cũng thông tin, đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên và một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì mức thu thuế cho cả VAT và TNCN là 2% hoặc 5%.

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú đề nghị ngành thuế nên tập trung quản lý những đối tượng “làm ăn lớn” như tập đoàn, tổng công ty, những hộ kinh doanh lớn bởi thất thu ở một đối tượng kinh doanh lớn sẽ gấp nhiều lần đối tượng nhỏ. Ông Phú lấy ví dụ: Nhiều trường hợp đã đăng ký kinh doanh và kê khai thuế nhưng lại trốn thuế như nhiều cửa hàng ăn uống có doanh thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm không xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Một luật sư khi trao đổi về vấn đề này cho rằng, nỗ lực thu thuế cho ngân sách là đáng biểu dương và ai kinh doanh cũng phải đóng thuế. Tuy nhiên, cách làm của cơ quan thuế đang quá đại trà, dẫn tới tốn kém rất nhiều công sức mà số thu có thể không lớn. Vị chuyên gia này cũng lấy lại ví dụ như trường hợp thu thuế hộ gia đình trước đây khi phần lớn nhân lực của ngành Thuế chỉ đi thu có mấy phần trăm tiền thuế từ hàng triệu hộ kinh doanh. “Tại sao ngành thuế không nắm số liệu kinh doanh của những người kinh doanh qua mạng, phân loại rồi thu thuế hoặc áp dụng biện pháp thuế khoán? Như thế vừa đỡ tốn công, vừa không làm nhụt chí những người muốn khởi nghiệp”, vị luật sư gợi ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.