Xã hội

Thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến tiết kiệm 1.300 tỷ đồng/năm

01/10/2019, 20:50

Với gần 4 triệu trường hợp vi phạm giao thông đường bộ bị lập biên bản 1 năm, nếu thu nộp phạt trực tuyến sẽ tiết kiệm khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Tiết kiệm ít nhất 1.300 tỷ đồng/năm

Ngày 1/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đến việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi GPLX và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), thực hiện Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hầu hết theo hình thức trực tiếp ở tất cả các công đoạn, người bị xử phạt phải đi lại, liên hệ trực tiếp với các cơ quan liên quan ít nhất 3 lần, với khoảng thời gian từ 10-72 ngày mới có thể nhận lại giấy tờ hoặc phương tiện, tài sản bị tạm giữ. Quy trình này, không chỉ mất nhiều thời gian, công sức, việc tiếp xúc trực tiếp nhiều lần sẽ rất dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Nếu lựa chọn hình thức nộp phạt trực tuyến, người bị xử phạt căn cứ số biên bản, cơ quan xử phạt, nơi xử phạt... tra cứu trên hệ thống để được cung cấp thông tin về tên quyết định xử phạt, số tiền xử phạt, tài khoản kho bạc phải nộp và nộp phạt trực tuyến ngay trên hệ thống. Việc nhận lại giấy tờ bị tạm giữ có thể qua đường bưu điện, hoặc nhận trực tiếp, hoặc ủy quyền. Đối với nhận lại phương tiện, tài sản bị tạm giữ, có thể lựa chọn hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền.

Để tạo thuận lợi cho người thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, VPCP đề nghị áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, đề xuất là người bị xử phạt (bị tạm giữ giấy tờ hoặc phương tiện, tài sản) được lựa chọn hình thức thực hiện nộp phạt sau khi có quyết định xử phạt.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, nếu tính ở mức tối thiểu nhất, người bị xử phạt để thực hiện các công đoạn từ nhận quyết định xử phạt, đi nộp phạt đến nhận giấy tờ, phương tiện mất khoảng 1,5 ngày. Với gần 4 triệu trường hợp vi phạm lập biên bản lĩnh vực đường bộ trong 1 năm (theo báo cáo thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP), khi áp dụng hình thức trực tuyến tương ứng sẽ tiết kiệm ít nhất khoảng hơn 1.300 tỷ đồng/năm (= 1,5 ngày x 220.000 đồng/ngày x 4 triệu trường hợp - tính theo GDP bình quân đầu người) cho xã hội.

Bảo đảm công khai, minh bạch

Đồng tình với chủ trương thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là điều tất yếu mà nhiều nước đã thực hiện để tạo sự công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội trong quản lý nhà nước.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc

Đối với việc cấp mới GPLX, Bộ GTVT đang nghiên cứu để tổ chức triển khai thực hiện đưa dịch vụ này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đối với thủ tục đổi GPLX, hiện nay đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang nâng cấp, dự kiến đến quý II/2020, sẽ triển khai thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để tạo điều kiện tối đa cho người dân.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, không chỉ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà kể cả đường sắt, đường thủy, hàng không cũng cần được ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí, hành lang pháp lý….

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, cho biết, đây cũng là mong đợi của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, hiện nay còn có một số vướng mắc trong quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu dùng chung…

Để triển khai thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, trước hết cần hoàn thiện thể chế, cần sửa đổi, bổ sung, ban hành Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ nào thì Bộ đó thực hiện ngay.

“VPCP sẽ cùng các Bộ, ngành rà soát cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính cũng như vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện sẽ báo cáo Chính phủ để đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Những vấn đề liên quan đến luật sẽ báo cáo Quốc hội”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh, đối với dịch vụ cấp, đổi GPLX, cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa ngành y tế, công an với ngành GTVT.

“An toàn dữ liệu và thông tin cá nhân là cực kỳ quan trọng, dịch vụ công mà để hở lọt thông tin cá nhân là không được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng giao nhiệm vụ là cuối năm 2019 khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong khi chúng ta chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước mắt có thể sử dụng các mã số như mã số BHXH, mã số thuế, số điện thoại di động… để xác thực định danh công dân.

“Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chúng ta chọn những vấn đề gì mà người dân và doanh nghiệp cần nhất thì sẽ làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt nhưng làm một số dịch vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm, để rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.