Hạ tầng

Thứ trưởng Bộ GTVT: Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 cần cách làm và tư duy mới

13/04/2022, 19:13

Đây là yêu cầu Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đặt ra đối với các Ban QLDA và tư vấn trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án.

Rà soát kỹ vị trí đổ thải và mỏ vật liệu

Chiều ngày 13/4, tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có buổi làm việc với 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị về công tác bố trí bãi đổ thải và mỏ vật liệu xây dựng.

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy và cách làm trong khâu khảo sát, lập hồ sơ dự án.

Kỹ sư Nguyễn Văn Hướng - Chủ nhiệm dự án của Tư vấn TEDI đã báo cáo sơ bộ về tiến độ khảo sát các vị trí đổ thải và sơ đồ nguồn mỏ vật liệu đối với đoàn công tác.

Theo đó dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị gồm 3 dự án thành phần chia làm 3 đoạn: Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh và Vạn Ninh – Cam Lộ.

Theo tính toán, 3 dự án cao tốc qua Quảng Bình cần khoảng 7,3 triệu m3 đất đắp, 0,5 triệu m3 cát; 2,7 triệu đá xây; lượng đất đá dư thừa cần đổ thải khoảng 8,6 triệu m3. Còn đoạn qua Quảng Trị cần 3,6 triệu m3 đất, 1,7 triệu m3, 170.000m3 cát và dư thừa khoảng 1,8 triệu m3 đất đá thải.

Đến nay, các địa phương đã cung cấp đầy đủ hồ sơ các vị trí, trữ lượng các mỏ đất đá, cát và vị trí có thể đổ thải cho tư vấn làm cơ sở cho công tác khảo sát. Tư vấn cũng đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường và đang tiến hành thí nghiệm để bước sang giai đoạn cuối cùng trước khi bàn giao hồ sơ.

img

Trữ lượng các mỏ đất ở Quảng Bình được đánh giá đủ để thi công 3 dự án cao tốc.

Theo đánh giá của tư vấn TEDI, Quảng Bình là địa phương rất phong phú và dồi dào về vật liệu xây dựng. Các mỏ đang khai thác đều nằm dọc theo tuyến và có cự ly vận chuyển tương đối gần. Quan ngại nhất hiện là bãi đổ thải và việc tận dụng nguồn đất dư thừa.

Qua làm việc với Sở TN&MT, đã xác định vật liệu hay gọi là đổ thải chỉ là đất không thích hợp hoặc đất dư thừa trong quá trình tận dụng vật liệu đắp. Đơn vị sẽ phân tách phần bóc hữu cơ 30cm để chuyển sang bãi tập kết để địa phương tận dụng vào mục đích san lấp, trồng trọt. Phần đào còn lại sẽ được đưa về các mỏ đất, mỏ đá, vùng đất trống để tập kết, sau này tỉnh sẽ bán đấu giá tận thu.

img

Ông Nguyễn Huệ - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình đề nghị tư vấn phải đi tận nơi, khảo sát tận mỏ để có những con số chính xác nhất.

Kỹ sư Hướng cũng đề xuất 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị xem xét đẩy nhanh tiến độ cấp phép đối với 28 mỏ đất dọc tuyến đã quy hoạch để đảm bảo điều kiện khai thác khi dự án triển khai vào năm tới.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự án cao tốc dự kiến cần 8 mỏ với khoảng 7,5 triệu m3 đất đắp. Trong đó, 6 mỏ đất đã được tỉnh quy hoạch để đưa vào khai thác phục vụ dự án cao tốc. Còn 2 mỏ chưa đưa vào quy hoạch, Sở sẽ đưa vào quy hoạch ngay trong kỳ họp tới. Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động lập quy hoạch đối với mỏ cát, đá và cả các vị trí đặt trạm trộn.

Ông Nguyễn Huệ - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình thừa nhận các hồ sơ về mỏ tỉnh cập nhật đã cũ, trong khi nhu cầu về vật liệu cao tốc rất cao, số lượng lớn nhưng lại có yêu cầu riêng về chất lượng. Vì vậy, đề nghị tư vấn đi tận nơi, khảo sát tận mỏ để có tính toán chính xác nhất. Cần gì Sở sẽ phối hợp

Không chỉ lo ngại về mỏ và bãi đổ thải, vấn đề công suất khai thác mỏ cũng được quan tâm, ông Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết: 9 mỏ đá ở Quảng Bình và 5 mỏ đá ở Quảng Trị có trữ lượng 10 triệu m3.

Hiện Quảng Bình chỉ cho khai thác công suất tối đa 380.000 m3/năm, Quảng Trị 590.000m3/năm, trong khi nhu cầu dự án cần 1,4 triệu m3 đá ở Quảng Bình và khoảng 1,7 triệu m3 đá ở Quảng Trị trong 2 năm.

Vì vậy, đề nghị tỉnh cho nâng công suất mỏ đá lên để đảm bảo nhu cầu dự án. Tương tự, đối với mỏ cát, Ban cũng đề nghị nâng công suất lên gấp khoảng 20 lần so với hiện tại.

img

Rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, công tác chuẩn bị ở giai đoạn 2 được thực hiện một cách kỹ lưỡng và bài bản hơn (Ảnh: Thi công cao tốc đoạn qua Hà Tĩnh)

Giai đoạn mới, cách làm mới

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Về mặt bằng, Bộ đã thống nhất với các địa phương chậm nhất đến 30/6 sẽ bàn giao hồ sơ GPMB. Để đảm bảo tiến độ này, yêu cầu Ban QLDA 6, QLDA Hồ Chí Minh và tư vấn phải thay đổi tư duy theo hướng “giai đoạn mới, cách làm mới”.

Giao Tư vấn nỗ lực trước 30/4 phải bàn giao cơ bản xong hồ sơ GPMB, bởi làm sớm ngày nào thì sẽ khái toán được tổng mức và nguồn vốn để GPMB ngày đó.

Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo 2 tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch về nhu cầu vốn và có kế hoạch giải ngân vốn GPMB khi được bàn giao mốc. Đề nghị các Sở TN&MT và Sở Xây dựng 2 tỉnh tham mưu tỉnh ban hành quy trình cấp phép mỏ phù hợp với từng đối tượng khai thác mỏ. Đối với các đơn vị đang khai thác như thế nào, đơn vị đang xin quy hoạch ra sao, nhà thầu xin cấp mỏ thì được ưu tiên gì?

Đồng thời đặc biệt nhấn mạnh: “Hồ sơ mỏ vật liệu, bãi đổ thải là bộ phận không thể thiếu trong quá trình lập dự án. Hồ sơ phải chi tiết, cụ thể hơn nữa mới có chất lượng. Trước hết, yêu cầu Ban và tư vấn trực tiếp khảo sát hiện trường. Trong quá trình làm thống nhất với các xã, huyện, sau khi có hồ sơ sơ bộ thì mời Sở cho ý kiến.

“Dự án này sẽ chỉ định thầu nên quá trình lập dự án càng chắc chắn bao nhiêu thì sau này càng dễ làm bấy nhiêu. Quan điểm của Bộ là không đủ hồ sơ dứt khoát không làm.

Dự kiến tháng 6 này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và tiến hành phê duyệt dự án, nhưng trước khi phê duyệt Bộ sẽ lấy ý kiến từng địa phương để thống nhất cách làm đối với cả 12 dự án giai đoạn 2. Đồng thời đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 các địa phương sẽ hoàn thành 70% khối lượng GPMB và sẽ khởi công dự án vào tháng 11/2022” - Thứ trưởng Thọ thông tin.

Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương với các mỏ đã cấp rồi phải khống chế về mặt giá. Thủ tướng đã yêu cầu dự án cao tốc giai đoạn 2 tuyệt đối không để tái diễn tình trạng ghim hàng, ép giá, nâng giá... Vì vậy các địa phương phải có quy trình, biện pháp để khi chủ mỏ cố tình thì có biện pháp xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép.

Giải đáp các kiến nghị từ phía tư vấn, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Trước khi kiến nghị nâng công suất, đề nghị tư vấn khảo sát toàn bộ các mỏ, làm việc với các chủ mỏ để xác định họ có đủ khả năng đáp ứng việc nâng công suất không, nếu nâng thì phải cam kết như thế nào về giá.

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Ban QLDA Hồ Chí Minh sớm bàn giao tim tuyến cho địa phương tiến hành GPMB.

Trong lúc chờ, có thể phối hợp với các xã, xóm ghi hình hiện trạng nhằm tránh tình trạng người dân xây dựng công trình đón đầu, chờ GPMB. Đồng thời, sau khi xây dựng xong hồ sơ mỏ, bãi đổ thải chuyển ngay cho địa phương để tiến hành sớm các thủ tục liên quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.