Xã hội

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Người dân từ chối nhận hỗ trợ thì không được ép

27/04/2020, 21:45

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Quân, không phải tất cả người lao động mất việc đều được hưởng hỗ trợ.

img
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương bám sát vào Quyết định 15 quy định thủ tục hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

Trả tiền trực tiếp cho lao động, tránh trùng lặp chính sách

Chiều 27/4, tại Hội nghị trực tuyến kết nối các tỉnh thành triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Quân cho rằng, các địa phương cần bám sát Nghị Quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ, từ đó cụ thể hóa quy định thực hiện chính sách hỗ trợ người dân.

Cụ thể, theo ông Quân, chính sách hỗ trợ chỉ tập trung đối tượng giảm sâu thu nhập, không đảm bảo đời sống tối thiểu, không phải tất cả người lao động mất việc được hưởng hỗ trợ.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng 1 chính sách, trong trường hợp đối tượng được hưởng 2 chính sách trở lên sẽ lựa chọn mức cao nhất để chi trả. Trong trường hợp đối tượng được thụ hưởng từ chối nhận hỗ trợ thì không được ép nhận dưới mọi hình thức.

“Trong trường hợp mức hỗ trợ của địa phương đã triển khai thấp hơn thì sẽ được cấp bù đảm bảo mức quy định như Nghị quyết nêu”, ông Quân nói.

Liên quan tới đối tượng bảo trợ xã hội, ông Quân lưu ý: “Chỉ nhóm đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng mới được hưởng hỗ trợ; Không bao gồm đối tượng đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội”.

Phân tích về thủ tục, điều kiện hỗ trợ đối với người lao động gặp khó khăn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt lưu ý tới đối tượng lao động tự do mất việc làm.

“Chỉ hỗ trợ cho những người thu nhập giảm sâu có mức sống thấp hơn mức sống tối thiểu. Khoanh vùng vào một số nhóm chính: Người thu gom phế liệu, xe ôm, xe xích lô, bán vé số dạo… với điều kiện bắt buộc phải cư trú hợp pháp. Để tránh hưởng 2 lần thì phải có xác nhận từ nơi tạm trú hoặc thường trú. Qua đây tôi cũng đề nghị UBND cấp xã linh hoạt khi làm thủ tục, chỉ cần ghi “nhận” hay “không nhận”, còn chuyện xác minh rà soát đối tượng đủ điều kiện được nhận hay không là do đầu cấp hỗ trợ chịu trách nhiệm”, ông Quân nói.

Về hình thức chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, ông Quân nhấn mạnh: “Các đơn vị chịu trách nhiệm phải chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của người lao động chứ không trả vào tài khoản doanh nghiệp, tránh nguồn tiền bị sử dụng sai mục đích, trục lợi”.

Để chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng, MTTQ, ngành LĐTB-XH, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải: Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai.
Kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng. Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do: Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Địa phương đề nghị tháo gỡ vướng mắc

Thông tin tại hội nghị, hầu hết các địa phương cho biết đã có sự chuẩn bị sẵn nên ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 15, có thể triển khai ngay gói hỗ trợ. Đặc biệt 4 đối tượng gồm: Người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội đã có sẵn danh sách nên sẽ được chi tiền hỗ trợ ngay trước dịp nghỉ lễ 30/4.

Tuy nhiên, không ít địa phương bày tỏ nhiều vướng mắc phát sinh trong việc kê khai, xác định đối tượng.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, thống kê sơ bộ trên địa bàn có hơn 1,4 triệu đối tượng được hưởng hỗ trợ với số kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng.

Ông Quý nêu dẫn chứng trường hợp lao động thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ ở mức 1,8 triệu đồng nhưng phải đảm bảo điều kiện đang làm việc ở doanh nghiệp khó khăn, không có nguồn thu.

“Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, trên địa bàn Hà Nội phát hiện một số doanh nghiệp khó khăn vẫn phải duy trì một số hoạt động tối thiểu. Tuy có doanh thu, nhưng không đủ chi trả lương cho tất cả đối tượng lao động. Vậy có nên xem xét cân nhắc hỗ trợ cho những trường hợp này? Ngoài ra, trường hợp người lao động nghỉ không lương nhưng DN chưa kịp báo giảm BHXH trong tháng 4 thì có được hỗ trợ hay không?”, ông Quý đặt vấn đề.

Liên quan tới đối tượng hộ nghèo và cận nghèo phải có trong danh sách hưởng trợ cấp của tháng 4/2020, tuy nhiên Phó chủ tịch TP Hà Nội nêu thực trạng: “Người nghèo và cận nghèo phát sinh như con dâu, bộ đội xuất ngũ, trẻ mới sinh có được bổ sung vào danh sách hưởng trợ cấp? Trường hợp mất trong tháng 4 trước thời điểm chi trả thì giải quyết như thế nào?”.

Ngoài ra, theo ông Quý, thời gian thực hiện được quy định khá ngắn, trong khi đối tượng thụ hưởng lại rất lớn do đó Hà Nội kiến nghị thay vì UBND cấp tỉnh ra quyết định hỗ trợ, có thể ủy quyền cho cấp huyện phê duyệt, nhằm giảm tải thủ tục hành chính, đảm bảo thực hiện chính xác.

Đồng tình với những kiến nghị trên, ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề xuất nên có thông tư hướng dẫn chi tiết việc hỗ trợ đối với lao động tự do mất việc. “Đối tượng này xác định rất khó và dễ bị trục lợi”, ông Long lý giải.

Cũng theo ông Long, theo quy định Nghệ An chỉ được cấp 50% kinh phí, trong khi đối tượng hỗ trợ lên tới gần 700 nghìn người, sơ bộ ước tính chi khoảng 750 tỷ đồng. “Nghệ An kiến nghị được hỗ trợ thêm kinh phí ngoài quy định để tỉnh có nguồn chi trả kịp thời cho người dân”, ông Long nói.

Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí cho người bán vé số dạo trên địa bàn. “Chính phủ quy định, việc chi trả cho người bán vé số lưu động không dùng ngân sách nhà nước, Công ty xổ số Đắk Nông đã chi trả 300 nghìn đồng/đối tượng. Với quy định 1 triệu đồng/người là vượt quá khả năng của công ty”, ông Ngọc Anh cho hay.

Trước những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan này sẽ lập đường dây nóng và trang điện tử để giải đáp các vướng mắc của địa phương.

"Nghị quyết Chính phủ nêu rõ, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Hội đồng nhân dân và cấp ủy. Do đó ngay cả khi ủy quyền thì lãnh đạo các tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm với quyết định ủy quyền của mình", ông Dung nhấn mạnh.

Liên quan tới đề xuất hỗ trợ thêm kinh phí của địa phương, ông Dung cho biết: “Bộ LĐ-TB&XH cùng với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã thống nhất đề xuất với Chính phủ cho các địa phương được tạm ứng trong một phạm vi nhất định”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.