Xã hội

Thứ trưởng Công an: Chấm dứt "có lên không xuống, có vào không ra"

19/01/2018, 17:21

Thứ trưởng Bộ CA cho biết, với Giám đốc CA các địa phương có tình trạng "có lên không xuống, có vào không ra".

165316-thuong-tuong-nguyen-van-thanh

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an

Chiều 19/1, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 tiếp tục diễn ra với tham luận của nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, chủ tịch UBND một số địa phương.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá chúng ta đã kết thúc một năm với nhiều thách thức, các Bộ, ngành đều nỗ lực góp phần trong kết quả đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu Quốc hội đặt ra.

Riêng với lực lượng công an, Thượng tướng Thành nhắc đến mục tiêu lực lượng công an phải giữ tinh thần chủ động, không để bị động bất ngờ, nhất là bất ngờ về chiến lược.

Bên cạnh đó, phải xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Xây dựng phong cách công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Trong công tác xây dựng Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc kiểm tra không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thẳng thắn trong quá trình xử lý.

“Riêng trong lực lượng công an, số lượng năm nay xử lý kỷ luật tăng 15,4%”, ông Thành thông tin.

Đặc biệt, một điểm khác biệt được Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nêu là vừa qua, Đảng uỷ công an T.Ư đã phối hợp với các đồng chí Bí thư và thường trực các địa phương đánh giá năng lực  và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của một số Giám đốc ở các địa phương, từ trước đến nay hầu như không làm việc này mà “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”. Nhưng vừa qua đã đánh giá lại.

Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng chuyên đề kiểm soát quyền lực, phòng chống chạy chức chạy quyền là hết sức cần thiết trong công tác tổ chức cán bộ.

Theo đó, chúng ta phải nhận diện quyền lực nằm ở đâu trong công tác tổ chức cán bộ, có một số biểu hiện rất dễ nhận dạng là từ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển...

Để thực hiện các mục tiêu “4 không” để ngăn ngừa tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an phân tích, muốn “không thể” đặt ra yêu cầu anh phải có quy chế, quy định hết sức rành mạch, rõ mà anh không thể lách hay phá rào được; để “không dám” thì phải xử lý nghiêm, để “không muốn” thì cần có cơ chế chính sách và tạo điều kiện để cán bộ sống và làm việc được.

Bên cạnh đó, phải nhấn mạnh không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Về giải pháp, ông cho rằng nên nhận diện rõ hơn quyền lực cấp T.Ư và địa phương.

Cùng với đó, phân cấp mạnh mẽ hơn, tăng cường kiểm tra, xác định trách nhiệm người đứng đầu. “Kiểm soát quyền lực từ bên trong chỉ có trách nhiệm người đứng đầu, Thủ trưởng mà không nhúc nhích thì không ai dám làm cả” – ông Thành nói và cho rằng, để không lạm dụng quyền lực thì không có cách nào khác phải tăng cường công tác kiểm tra.

“Năng lực đội ngũ hiệu trưởng rất có vấn đề”

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vừa qua, Bộ đã tinh gọn được 54 vị trí, trưởng phòng, đặc biệt, Bộ Giáo dục cũng là một trong hai Bộ không có cấp phòng trong Vụ.

Ông Nhạ đánh giá, chủ trương dồn các cơ sở giáo dục, các điểm trường theo hướng tinh giản vừa qua là chủ trương tốt và một số địa phương đã làm có kết quả. Tuy nhiên, khi sắp xếp tinh giản đầu mối giáo dục, phải tính toán điều kiện áp dụng, tránh tình trạng dồn ép cơ học dẫn đến học sinh bỏ trường. 

Việc tinh giản biên chế theo nghị quyết 39, theo ông Nhạ cũng cần chú ý, tránh tình trạng giảm cơ học 10% dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện để giáo viên đứng lớp.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vai trò cán bộ, đặc biệt là trong ngành giáo dục rất quan trọng. Hiện ngành giáo dục có 42.000 cơ sở giáo dục công lập, như vậy có 42.000 cán bộ lãnh đạo cấp hiệu trưởng, bí thư đảng uỷ, tuy chưa phải cấp chiến lược, nhưng là cấp cơ sở phụ trách đơn vị giáo dục. “Khi thực hiện nghị quyết trung ương đổi mới căn bản, mới xét thấy năng lực của đội ngũ hiệu trưởng rất có vấn đề” – Bộ trưởng đánh giá và cho biết sẽ rà soát để xây dựng chuẩn hiệu trưởng trong đó có điều kiện ngang tầm đổi mới căn bản.

“Đề nghị các địa phương khi đề bạt cán bộ vào vị trí hiệu trưởng phải căn cứ vào chuẩn cán bộ, tới đây bồi dưỡng theo chuẩn”, ông Nhạ đề nghị.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm của hàng loạt cán bộ

154934-botruongcongthuong

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết đây là Bộ quản lý đa ngành, theo nghị định cũ có 35 đơn vị hành chính nhà nước và 51 đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định mới đây tinh giản còn bộ còn 26 đơn vị hành chính nhà nước và 50 đơn vị sự nghiệp công lập.

“Chúng tôi nhận thấy, điểm thuận lợi cũng chính xuất phát từ những khó khăn, vấp ngã của Bộ Công thương trong thời gian qua liên quan đến công tác cán bộ mà các đoàn Kiểm tra Uỷ ban Kiểm tra T.Ư tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tập thể, cá nhân tại Bộ” – Bộ trưởng Công thương nói và cho rằng, cũng chính việc này đã giúp Bộ có cơ hội nhìn lại mình, đánh giá một cách thực chất.

Cho rằng các bất cập, tồn tại có nhiều nguyên nhân, nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có việc hệ thống văn bản về công tác cán bộ chưa hoàn thiện dẫn đến từng đơn vị, bộ máy tổ chức còn cồng kềnh, một số mắt xích bất hợp lý, làm ảnh hưởng hiệu quả hoạt động. Các tiêu chí, quy trình để nhận xét đánh giá, tiếp nhận, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tuy có nhưng chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong quản lý, đánh giá, bố trí cán bộ.

Bên cạnh đó, mối quan hệ tập thể - cá nhân và cơ chế trách nhiệm chưa làm rõ, dẫn đến tập thể ban cán sự đảng của bộ trong giai đoạn trước có quan tâm, đầu tư trong chỉ đạo về công tác cán bộ, tuy nhiên nguyên tắc tập trung dân chủ không được làm rõ, không đảm bảo, hiệu quả.

“Đặc biệt có sự đồng thuận nhưng không phải đồng lòng, đồng ý, xuôi chiều, không có phản biện, không có sự đảm bảo trong nguyên tắc chung của tập thể trong xem xét thực thi một cách đứng đắng đầy đủ theo các nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ và các quy định pháp luật của nhà nước” – ông đánh giá.

Người đứng đầu ngành công thương cũng cho rằng các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ còn hạn chế năng lực, trong khi không nhận được sự quan tâm đầy đủ trong chỉ đạo kiện toàn bộ máy dẫn đến chủ quan, phó mặc cho khâu tham mưu, thiếu kiểm tra, kiểm soát.

“Đây nguyên nhân cơ bản dẫn đến hàng loạt sai phạm trong công tác cán bộ, từ bổ nhiệm cán bộ không đúng, không đủ yêu cầu, tiêu chuẩn đầu vào, đánh giá cán bộ không toàn diện, thậm chí có nguỵ tạo, không đúng thực chất năng lực cán bộ dẫn đến sai phạm cán bộ gặp phải, không đáp ứng yêu cầu” -  Bộ trưởng thẳng thắn đánh giá.

Ông cũng thừa nhận một số trường hợp tiếp nhận, luân chuyển, điều động cán bộ không khách quan, công tâm. Dù nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng Bộ trưởng Công thương cho rằng còn có nguyên nhân chủ quan mang tính vụ lợi, cá nhân. Từ đó cho thấy, ý thức trong trách nhiệm của người đừng đầu, tập thể, từng đồng chí trong tập thể không đảm bảo, dẫn đến quy định chung trong quản lý cán bộ không được thực thi, nhiều khi vô hiệu hoá gây ra hiện tượng không cá biệt mà tương đối phổ biến.

Bộ trưởng Công thương cũng nhìn nhận công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ còn mang nặng hình thức, không có  nghiên cứu tìm tòi, dẫn đến tổ chức thực hiện còn sơ cứng, không có hiệu quả trên thực tế, mang tính đối phó. Đặc biệt, do quy trình cán bộ lấy ý kiến các đơn vị tổ chức có hiện tượng nể nang, e dè, né tránh, làm vui lòng lẫn nhau nên đánh giá cán bộ không đảm bảo chất lượng, quy hoạch cán bộ không đảm bảo.

Tư lệnh ngành Công thương cũng chia sẻ: “Từ thực tiễn, cả những thiếu sót, vấp váp, khuyết điểm và những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy có một số bài học kinh nghiệm: nêu cao ý thực phê bình và tự phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh để thấy rõ khuyết điểm của mình để sửa chữa và lấy đó làm bài học cảnh tỉnh răn đe”.

“Nên coi đi nghĩa vụ quân sự là tiêu chí chọn cán bộ”

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Lê Văn Đọctham gia góp ý vào chuyên đề kiểm soát quyền lực, phòng chống chạy lực chạy quyền và cho rằng, cần phải đặt vấn đề: ai chạy và chạy ai?Theo ông, lâu nay chúng ta vẫn nói công tác cán bộ là vấn đề khó nên lần này cần có lời giải.

“Phải đánh giá cán bộ ra làm sao để bố trí cho đúng. Đánh giá cán bộ thông qua bằng cấp thì thiếu bằng cấp gì cán bộ có bằng cấp đó, nhanh lắm” – ông Đọc nói và cho rằng trong quá trình tuyển chọn, nên thay đổi quy trình. Trước đây chúng ta “trong số ít chọn số ít”, nhưng nên hướng đến số nhiều chọn số ít, với một chức danh nên chọn nhiều số dư để lựa chọn. Đặc biệt, có thể tiến tới bầu trực tiếp Bí thư cấp cơ sở để có hiệu quả hơn.

Ông cũng góp ý, lâu nay, nghĩa vụ quân sự được đánh giá là thiêng liêng, nên chăng nên cần có cơ chế để khuyến khích các thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, coi đó là tiêu chí chọn cán bộ.

Ông cũng kiến nghị sớm thống nhất giao cho các địa phương khung biên chế chung để tự điều chỉnh. Với cấp phó, nên khoán để tự bố trí, vì có cơ quan cần nhiều cấp phó, nhưng cũng có cơ quan chỉ cần ít.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.