Xã hội

Thứ trưởng GD&ĐT: Học sinh đội mũ che giọt bắn chỉ là sáng tạo ở địa phương

05/05/2020, 19:47

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, ngành giáo dục không yêu cầu học sinh đội mũ che giọt bắn khi trở lại trường.

img
Một số trường học cho học sinh đội mũ che giọt bắn suốt buổi học

Chiều 5/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, trả lời câu hỏi của báo chí về việc học sinh phải đeo khẩu trang, nón che giọt bắn ở trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết theo báo cáo, đã có 3 đợt tổ chức cho học sinh đi học trở lại, nhưng chủ yếu vẫn là học sinh THPT và THCS. Tỷ lệ học sinh đi học rất cao.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là “đã đi học phải an toàn”, và Bộ GD&ĐT đã dựa vào khuyến cáo của Bộ Y tế để xây dựng tiêu chí đánh giá của nhà trường an toàn, trong đó có một số tiêu chí cứng như: Giữ khoảng cách; đeo khẩu trang; rửa tay; khử khuẩn nhà trường…

“Nhưng không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương”, ông Độ nói và nói nên làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế chưa khuyến cáo thì địa phương nên cân nhắc để đưa ra khuyến cáo cho phù hợp.

Trước đó, ngày 4/5, báo chí, mạng xã hội đưa hình ảnh nhiều học sinh đội mũ che giọt bắn trong lớp học, và cho biết, trường Tiểu học Núi Thành (Quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã tự trang bị mũ chống giọt bắn để phòng chống dịch Covid-19 cho học sinh và giáo viên; trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TPHCM) đã trang bị 2.400 mũ che giọt bắn, để học sinh mang trong ngày đi học lại. Trường Tiểu học Nhị Đồng (phường Dĩ An, TP Dĩ An, Bình Dương) cũng cho học sinh đội mũ che giọt bắn trong lớp học.

Nhiều ý kiến lo ngại các em học sinh rất khó chịu phải ngồi học suốt buổi với chiếc mũ chống giọt bắn trên đầu, thêm một chiếc khẩu trang bên trong, chưa kể về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đốt sống cổ, ảnh hưởng đến mắt.

Trả lời báo chí, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cũng cho biết: "Việc đeo tấm kính chắn này dùng trong trường hợp mặt đối mặt và chăm sóc trực tiếp với bệnh nhân. Còn trong phòng học thì học sinh cùng đều nhìn về một hướng trên bục giảng cho nên không cần thiết; không những không có tác dụng mà còn gây ra cho các em cảm giác khó chịu, ngột ngạt, thậm chí là gây khó khăn về thị lực".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.