Đường bộ

Thứ trưởng GTVT: Cần xây dựng cơ chế giám sát lực lượng Thanh tra

26/01/2021, 20:04

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cùng với đạo đức công vụ, tới đây cần xây dựng cơ chế giám sát hoạt động lực lượng Thanh tra GTVT.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện bộ máy thanh tra GTVT

Chiều nay (26/1), Thanh tra Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Thanh tra ngành GTVT giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2020, ngành GTVT đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng. Cùng đó, vận tải cũng duy trì tăng trưởng từ 8-10%. Bên cạnh đó, nhiều Bộ Luật như: Luật Hàng hải, Luật Đường sắt, Hàng không được sửa đổi, góp phần quản lý nhà nước của ngành GTVT tốt hơn, trật tự vận tải ngày càng quy củ hơn. Trong thành tích này có đóng góp lớn của lực lượng Thanh tra GTVT.

“Thanh tra GTVT bám sát nhiệm vụ chung của ngành, chỉ đạo của Chính phủ giúp cho hoạt động về vận tải, kết cấu hạ tầng đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, Thanh tra cũng triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra quản lý bảo trì kết cầu hạ tầng, chấn chỉnh hoạt động vận tải ở cả 5 lĩnh vực”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: “Lực lượng Thanh tra chưa đồng đều, chất lượng chưa cao. Nguyên nhân là do trước đây các lĩnh vực của ngành GTVT tuyển lực lượng Thanh tra trước, sau đó đào tạo cập nhật kiến thức sau nên chưa thật đồng đều. Bên cạnh đó, chúng ta mới chỉ tập trung vào thanh tra, vai trò của kiểm tra còn ít nên tính phát hiện để phòng ngừa còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động thanh tra còn yếu, chưa có cơ sở dữ liệu Thanh tra dùng chung để xử phạt chưa được xây dựng”.

Để nâng cao hiệu qua thanh, kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu, Thanh tra GTVT cần bám sát nhiệm vụ của ngành, trong năm 2021, vận tải Hàng không và Đường sắt khó phục hồi. Thanh tra Chính phủ đang đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra GTVT cần tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Luật.

Lực lượng Thanh tra GTVT cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện bộ máy theo quy định pháp luật mới được ban hành. Tập trung xây dựng cơ chế kiểm soát hoạt động của Thanh tra, nâng cao đạo đức công vụ của công chức, viên chức.

img

Năm 2021, cần xây dựng cơ chế giám sát hoạt động của lực lượng Thanh tra GTVT - Ảnh minh họa

Hàng trăm nghìn cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Thanh tra Bộ GTVT đã thực hiện 114 cuộc thanh, kiểm tra hành chính tập trung vào các nội dung như quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản; đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp; sử dụng vốn, tài sản nhà nước; thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng. Qua thanh, kiểm tra đã kiến nghị các đơn vị liên quan sơar đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, kiến nghị xử lý về kinh tế khoảng 4.360 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 78 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 - 2020, Thanh tra GTVT cũng thực hiện 113 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, tập trung vào một số vấn đề như: quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; kiểm soát tải trọng phương tiện; đào tạo, sát hạch, huấn luyện cấp GPLX... Qua thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính nhiều hành vi vi phạm và xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân.

"Cũng trong giai đoạn này, Tổng cục Đường bộ VN và các Cục chuyên ngành và Thanh tra các sở GTVT đã thực hiện tổng số hơn 556.000 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 520.000 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt hơn 1.800 tỷ đồng", bà Hiền cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.