Xã hội

Thứ trưởng GTVT trả lời câu hỏi về BOT Cai Lậy, Tân Sơn Nhất

01/03/2018, 19:02

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời nhiều câu hỏi nóng của báo chí về BOT Cai Lậy, Tân Sơn Nhất.

thu truong nguyen ngoc dong

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời tại họp báo Chính phủ

Đã trình Chính phủ nhiều phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy

Chiều 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018.

Tại đây, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo Bộ GTVT về những vấn đề đang được quan tâm của Bộ như việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, hay phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy.

Với câu hỏi về các phương án xử lý trạm thu giá BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Thủ tướng Chính phủ có quyết định tạm dừng trạm BOT Cai Lậy và giao Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo các phương án. Trên cơ sở đó, Bộ đã báo cáo Chính phủ từ 17/1.

Theo Thứ trưởng Đông, Bộ GTVT đã đưa ra 4 phương án với các ưu điểm và hạn chế riêng, đều liên quan đến  hợp đồng điều chỉnh và thời gian thu phí khác nhau. Ví dụ có phương án đề nghị dừng thu phí thì cần xem xét có nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian, cùng với đó, phải đàm phán với nhà đầu tư.

Với phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì phải theo dõi lượng xe để tính toán lại thời gian. Nếu thu cả 2 trạm trên QL 1 và tuyến tránh thì cũng phải tính khác… "Tất cả cái đó đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm báo cáo về những phương án tiếp theo, trong đó có phương án giảm mức phí  30%-100% cho phương tiện của một số xã lân cận, chúng tôi sẽ tính toán con số cụ thể để báo cáo Chính phủ trong vài ngày tới" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Hoan nghênh ý kiến phản biện về phương án mở rộng Tân Sơn Nhất

Liên quan tới việc mở rộngTân Sơn Nhất (TSN), trong khi đơn vị tư vấn nước ngoài cho rằng việc mở rộng sân bay này về phía Bắc (khu vực có sân golf, đất quốc phòng) sẽ gây tốn kém trong thu hồi đất, ảnh hưởng tới khu vực dân cư xung quanh… thì nhóm nghiên cứu của TP. HCM lại có quan điểm ngược lại và đề xuất phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về hướng này dù có hay không xây thêm đường băng thứ 3.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, cảng hàng không TSN đã có quy hoạch, do tư vấn Việt Nam lập, Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ.

Trước chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tìm tư vấn nước ngoài nghiên cứu, rà soát quy hoạch để xác định một cách khách quan nhất, Bộ đã lựa chọn Công ty tư vấn ADPi của Pháp, và đơn vị này đã tổ chức nghiên cứu hết sức công phu, thảo luận nhiều lần, trong đó có báo cáo tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì. Cùng với đó, còn có ý kiến các nhà khoa học, nhà phản biện.

Cách đây 2 ngày, Bộ GTVT đã họp và công khai các ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Về ý kiến của nhóm nghiên cứu độc lập của TP.HCM khác với nghiên cứu, đề xuất của tư vấn Pháp, Thứ trưởng Đông lưu ý, chúng ta phải đặt TSN trong bối cảnh phát triển chung các CHK ở khu vực đó. "Từ nay đến 2025, đúng theo lộ trình mà Quốc hội thông qua là phải đưa CHK Long Thành vào khai thác, và dự báo chung cho phát triển về hành khách hay hàng hoá không thể tách rời với từng sân bay. Đối với Tân Sơn Nhất trong giai đoạn từ nay đến 2025 khi chưa có CHK quốc tế Long Thành phải làm sao đáp ứng nhu cầu vận tải, và vẫn phải duy trì mô hình này trong tương lai, giống như một số mô hình khác ở Nhật Bản, Bangkok" - Thứ trưởng Đông phân tích.

Theo ông Đông, cần xác định lộ trình đầu tư hiệu quả nhất, không để tình trạng trước mắt thì đủ nhưng sau này khi có Long Thành thì lại dư thừa, không dùng đến trong khi đầu tư vào hạ tầng rất tốn tiền.

Lãnh đạo Bộ GTVT hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến phản biện, tiếp tục yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ trong nghiên cứu từ dự báo, hướng phát triển, xem quy hoạch có phù hợp không, lộ trình có hợp lý, hiệu quả tương quan giữa hai sân bay thế nào?, ông Đông nhấn mạnh.

Việc có mở rộng ra phía Bắc thêm một đường băng nữa hay không, theo Thứ trưởng Bộ GTVT, đã được nghiên cứu và trả lời nhiều khi trình phương án tiền khả thi của CHK quốc tế Long Thành. Hiện nay, Tư vấn của Pháp cũng đánh giá rất khách quan, đề nghị không xây dựng đường băng số 3, tận dụng 2 đường băng hiện hữu nhưng làm thêm các đường lăn và các công năng khác như nhà ga, phát triển việc kết nối giao thông với đô thị TP.HCM cho tiện lợi. 

"Chúng tôi sẽ tiếp thu và trình Thủ tướng trong tháng 3 và nêu rõ kiến nghị, quan điểm của Bộ GTVT" - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói cả tư vấn nước ngoài và TP.HCM đều rất chủ động đưa ra nhóm nghiên cứu riêng. Quan điểm khác nhau là bình thường. Tuần tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ nghe tư vấn và Bộ GTVT báo cáo, trên cơ sở đó đưa ra quyết định. Khi có kết quả sẽ truyền tải kết luận, thông tin cho báo chí.

Trước đó, chiều 27/2, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nghe Tư vấn Pháp báo cáo cuối kỳ về điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp là đơn vị được thuê để rà soát, nghiên cứu quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất nhằm đưa ra các ý tưởng quy hoạch có tính khả thi, đảm bảo sự khách quan, minh bạch.

Trên cơ sở tính toán khoa học, Công ty tư vấn ADPi cho rằng với cấu hình hiện tại CHK Tân Sơn Nhất chỉ có thể đạt công suất tối đa 50 triệu khách/năm. Nếu muốn vượt lên trên ngưỡng này, phải xây thêm 1 đường cất hạ cánh mới cũng như phải tăng khoảng cách giữa các đường cất hạ cánh. Tuy nhiên, khi đó phải giải toả mặt bằng đất dân cư vô cùng tốn kém. Đó là chưa nói đến việc ảnh hưởng tiếng ồn đối với cộng đồng dân cư xung quanh; Xây dựng thêm nhà ga mới ở phía Bắc, cũng như chưa tính đến việc có khó khăn trong kết nối giữa nhà ga T1 và T2 với nhà ga phía Bắc; khó khăn trong di chuyển hành khách từ phía Nam xuống phía Bắc; Trang thiết bị khai thác cảng hàng không bị trải rộng cho cả khu vực phía Bắc và phía Nam và cả những khó khăn về giao thông tiếp cận.

Theo công ty tư vấn ADPPi, nếu phát triển nhà ga hành khách phía Bắc, nhược điểm lớn là khu vực nhà ga bị chia cắt thành 2 bên của hệ thống đường cất hạ cánh; Chi phí vận hành tăng do thiếu sự hợp nhất của cơ sở hạ tầng; Diện tích đất cần phải thu hồi lớn, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện do phải đáp ứng nhu cầu giao thông đến khi CHK Long Thành đi vào hoạt động. Trong khi đó, nếu phát triển nhà ga hành khách ở phía Nam sẽ giúp giảm diện tích đất cần phải thu hồi; Khoảng cách giữa các nhà ga gần hơn; Vận hành tàu bay và hành khách đơn giản hơn; Tối ưu hoá đất sử dụng; Giảm khối lượng công việc thi công.

Từ đây, ADPi đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ lên phía Bắc. Điều này sẽ giúp giảm cắt ngang qua đường cất hạ cánh (tăng tính an toàn và công suất); Giảm tối thiểu thời gian lăn (giảm chi phí, tiết kiệm nhiên liệu). Việc kết nối giao thông khi đó cũng đơn giản hiệu quả, nhanh chóng kết nối với hệ thống giao thông hiện tải. Phát triển như vậy cũng sẽ sử dụng phát triển sau giai đoạn 2025 với các hoạt động hàng không như hàng hoá, sửa chữa, logistics…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.