Đường sắt

Cấp thiết chạy lại tàu khách sau nới lỏng giãn cách vì Covid-19

08/10/2021, 20:57

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu hoàn thành dự thảo kế hoạch chạy lại tàu khách trước 15/10/2021 để báo cáo Chính phủ.

Chưa thể chạy lại tàu, khách sốt ruột

Những ngày gần đây, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, rất nhiều hành khách bày tỏ sốt ruột vì đường sắt chưa chạy lại tàu sau nới lỏng giãn cách xã hội.

"Nhà tôi ở Bình Định, đã gần 6 tháng nay chưa được về quê. Nếu đi bằng đường bộ rất vất vả và lo không an toàn phòng dịch. Trong khi đó đi đường sắt an toàn hơn nên tôi đang chờ có tàu Thống nhất là mua vé về quê ngay", chị Lê Thị Hải chia sẻ.

Tương tự, anh Đào Văn Hoành ở Quảng Bình chia sẻ đang rất mong chờ tàu Thống nhất chạy lại để về quê đón người thân ra Hà Nội chữa bệnh. Tuy nhiên, chờ từ đầu tháng vẫn chưa thấy nên rất sốt ruột.

img

Địa phương đồng ý, địa phương không, tàu khách chưa thể chạy lại trên các tuyến. Ảnh: Đoàn tàu lập riêng đưa người dân Quảng Bình về quê đón khách tại ga Sài Gòn sáng nay (8/10)

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải bằng đường sắt gửi 24 UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến.

Thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã tổ chức 9 đoàn tàu chuyên biệt từ TP.HCM đến các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với số lượng hơn 5.400 hành khách sau khi được thỏa thuận của UBND TP.HCM với các tỉnh này.

Tuy nhiên, đến ngày 8/10, mới nhận được phản hồi của Đà Nẵng và Quảng Trị nhất trí với dự thảo kế hoạch. Còn tại văn bản số 3379, UBND TP.Hà Nội tiếp tục khẳng định quan điểm dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội và đề nghị các bước chuẩn bị điều kiện cần thiết trước khi hoạt động trở lại.

Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho hay: "Hà Nội cần thời gian để tiêm phủ 2 mũi vaccine cho người dân. Khi nào đủ điều kiện để mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt trên địa bàn sẽ thông báo với Cục Đường sắt VN".

Cùng quan điểm với Hà Nội, lãnh đạo Hải Phòng và Hải Dương cũng cho rằng cần lùi thời gian thực hiện kế hoạch để tiêm phủ vaccine. Mặt khác, Hà Nội mở lại thì người dân trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng mới đi lại được bằng tàu.

Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, nhiều tỉnh như TP.HCM, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình... thống nhất mở lại vận tải hành khách đường sắt nhưng cũng có địa phương chưa đồng ý hoặc đồng ý với dự thảo kế hoạch nhưng đề nghị lùi thời gian bắt đầu chạy tàu. Do vậy cũng chưa thể mở lại chạy tàu khách trên các tuyến.

Điều kiện đối với hành khách đi tàu phải “mở”

Về điều kiện khách đi tàu, phát biểu tại cuộc họp, nhiều địa phương đề nghị phải quy định chặt chẽ như đối với hành khách đi máy bay. Cụ thể, khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và mũi cuối đã qua 14 ngày, hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 tiếng; Phải khai báo y tế đầy đủ, có cam kết (theo mẫu biểu) về thực hiện các quy định phòng dịch; Cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày hoặc quy định y tế bắt buộc của địa phương nơi đến.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy không phù hợp với đối tượng khách đi tàu vì đây chủ yếu là người có thu nhập thấp. Mặt khác, người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê đa số chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.

img

Tàu lập riêng đón người dân Ninh Bình về quê

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay rất cần thiết mở lại tàu khách đưa người dân về quê và đón người dân có nhu cầu quay lại khu vực miền Nam để lao động.

“Thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa đón người dân di chuyển đi, đến các nhà ga trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên cần phải xem xét điều kiện y tế đối với hành khách, nếu đưa ra tiêu chí như với hàng không thì rất khó", ông Lâm nói.

Cho rằng các địa phương cần thống nhất sớm chạy lại tàu khách vì như vậy an toàn hơn rất nhiều so với việc người dân tự đi xe máy, xe đạp về quê, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: Rõ ràng đi xe máy sẽ nguy hiểm và không loại trừ vẫn bị lọt những người đã nhiễm virus. Vì thế vẫn tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao và mất ATGT, tạo ra vấn đề ANTT cho chính các địa phương khi dòng người đi qua địa bàn.

Theo ông Hùng, để tạo thuận lợi cho người dân, nên chăng chỉ quy định người đã tiêm 1 mũi vaccine 14 ngày và xét nghiệm âm tính là được đi tàu. Cùng đó, trên tàu phân ra toa chở người tiêm đã tiêm 1 mũi, toa chở người đã tiêm 2 mũi... để dễ kiểm soát, phòng lây nhiễm.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN nhấn mạnh, đường sắt đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện và các điều kiện về phòng dịch theo quy định. Tuy nhiên, để chạy lại cũng cần phải có thời gian truyền thông, bán vé.

“Chúng tôi xác định thời điểm này có chạy lại tàu cũng phục vụ an sinh là chủ yếu, chứ không tính đến lãi. Ngay cả chấp nhận chạy tàu theo kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là ga đón khách, ga không thì người đi tàu cũng phải tương đối. Chúng tôi chấp nhận lỗ, nhưng không thể lỗ quá”, ông Mạnh nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mở lại tàu khách trên các tuyến cần phải được thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện đưa người dân về quê, không để tự phát.

Quan trọng là phải có cơ chế phối hợp rất chặt chẽ từ xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện và giám sát giữa ngành Đường sắt, các địa phương. Trong đó, phải xem xét các yếu tố nhu cầu đi lại, phân khúc hành khách và cả lợi thế của tàu là có nhiều toa để phân chia, bố trí các đối tượng hành khách riêng biệt.

“Đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước 13/10/2021, trong đó kiến nghị về thời gian bắt đầu thực hiện, ga đón, trả khách... Đồng thời có ý kiến cụ thể về cơ chế phối hợp thế nào giữa các địa phương, đường sắt và thống nhất các quy định, nhất là về giấy tờ, biểu mẫu để không quá phức tạp, dễ triển khai”, Thứ trưởng đề nghị.

Thứ trưởng cũng giao Cục Đường sắt VN phối hợp với Tổng công ty Đường sắt VN điều chỉnh lại kế hoạch sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các địa phương và báo cáo Bộ GTVT, trong đó nêu rõ các lộ trình triển khai. Vụ Vận tải có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các điều kiện đối với hành khách đi tàu.

"Phải hoàn thành dự thảo kế hoạch khoảng 15/10/2021 để báo cáo Chính phủ", Thứ trưởng Đông yêu cầu.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.