Xã hội

Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra công tác phòng chống thiên tai

18/06/2016, 20:38

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tai đã làm việc với Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh

20131017072320-12

Tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên bị lũ lụt, lốc xoáy nên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.  Ảnh: internet

Trong hai ngày 16-17/6, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do đồng chí Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã tổ chức kiểm tra, làm việc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh về công tác phòng, chống thiên tai. 

Khí hậu khắc nghiệt gây hậu quả nặng nề cho các địa phương

Báo cáo nhanh về tình hình thiên tai tại Thanh Hóa trong thời gian qua, đại diện Ban chỉ huy PCTT-TKCN Thanh Hóa cho biết, tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo PCTT&TKCN trên địa bàn; thực hiện các biện pháp ứng phó với các loại hình thiên tai như bão mạnh, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, lập phương án bảo đảm an toàn cho công trình... Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã củng cố, tu bổ, xây dựng các công trình PCTT, cụ thể: đất đào đắp các loại 183.973 m3, bê tông các loại 11.781 m3, đá các loại 36.005 m3, khoan phụt vữa 9.017 mks. 

Tại Nghệ An, đại diện Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An cho biết, đây là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai như triều cường, bão lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến bất thường. Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm chết 2 người, bị thương 6 người; sập đổ 37 nhà, tốc mái trên 2.500 nhà, thiệt hại 23.901 ha lúa; 4.604 ha ngô, rau màu; chết 3.204 con trâu bò…  với ước tính thiệt hại lên đến 188,3 tỷ đồng. 

Thời gian qua, để đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, các cấp ngành ở Nghệ An đã xây dựng nhiều biện pháp chủ động ứng phó. Trong đó, tập trung vào các biện pháp phòng chống như chủ động tu sửa hệ thống đê điều, công trình thiết yếu nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Ngoài ra, với phương châm “4 tại chỗ” các cấp, ngành địa phương cũng đã chuẩn bị sẵn các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, do thiên tai xảy ra liên tiếp, phương tiện, trang thiết bị phục công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế nên công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn gặp nhiều khó khăn khi có thiên tai, lụt bão xảy ra. 

Điển hình như vụ máy bay Su-30MK2 bị mất tích trên vùng biển Nghệ An. Dù Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các lực lượng nỗ lực tìm kiếm nhưng do thiếu các phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn tại chỗ nên đã gặp rất nhiều khó khăn. 

Tại Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo các cấp các ngành Hà Tĩnh đã báo cáo với Đoàn công tác về công tác PCTT &TKCN. Ngay từ đầu năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh đã chịu ảnh hưởng 3 đợt không khí lạnh, đặc biệt từ ngày 22 – 28/1 có cường độ mạnh, nhiệt độ chỉ từ 5-6 độ C gây thiệt hại lớn về lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Tổng thiệt hại ước tính 524 tỷ đồng. 

Ngoài ra, do đặc điểm của địa hình nên các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang thường xuyên bị lốc xoáy, lũ lụt triền mien nên đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Riêng trong năm 2015, trên địa bàn Hà Tĩnh đã làm 5 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về hoa màu, tài sản nhà cửa của nhân dân năm 2015 khoảng 16,7 tỷ đồng. 

Các địa phương cần hỗ trợ khẩn cấp kinh phí

Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên xảy ra lũ lụt nên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang…Trong khi đó trên địa bàn có khoảng hơn 100 cầu xuống cấp, đặc biệt có 57 cầu đã hư hỏng nặng cần phải xây mới, tuy nhiên nguồn kính phí của địa phương rất hạn hẹp như cầu treo Trung Lưu (huyện Hương Sơn), cầu phao Phương Mỹ, cầu treo Hương Giang (huyện Hương Khê).. 

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đang có rất nhiều hồ chứa nước đã xây dựng cách đây gần 30-40 năm nên đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn. Do vậy cần kinh phí khoảng 916 tỷ đồng để nâng cấp 59 hồ chứa nước. Các phương tiện tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn vẫn còn thiếu cần được hỗ trợ thêm. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, khu neo đậu tàu thuyền theo quy hoạch đã phê duyệt. 

IMG_6792

Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu làm việc với tỉnh Hà Tĩnh

Tỉnh Nghệ An đã đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục hậu quả do các đợt lốc xoáy gây ra từ đầu năm đến nay và đầu tư kinh phí để thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển thực sự cấp bách như Kè bảo vệ Đê Lương Yên Khai; Kè chống sạt lở xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương); Đê biển Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai). Tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp lưu vực sông Cả. 

Tỉnh Thanh Hóa đề nghị được hỗ trợ đầu tư xây dựng, tu bổ nâng cấp một số tuyến đê sông, tu bổ nâng cấp đê biển, dự án quy hoạch thủy lợi vùng III huyện Nông Cống, dự án nâng cấp và bảo đảm an toàn hồ chứa, xây duwngjcacs khu neo đậu tàu thuyền. Đề nghị xem xét sớm cho triển khai dự án đập Lèn để ngăn mặn, giữ ngọt. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường giao thông nhằm góp phần bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão; xem xét hỗ trợ đầu tư nạo vét luồng cửa sông Lạch Bạng. 

Trước tình hình thực tế về công tác PCTT&TKCN và các đề xuất của địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: Trong công tác PCTT & TKCN, địa phương cần phải chủ động xây dựng các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn các phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác này. Trước mắt địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực cải tạo các công trình, hạ tầng giao thông, đê kè nhằm phòng tránh từ xa các rủi ro. Tiếp tục rà soát có phương án khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, có đề xuất kiến nghị kịp thời tới Ban chỉ đạo Trung ương. Đối với một số cơ sở hạ tầng xung yếu hiện đã xuống cấp, phải thống kê và báo cáo với các cơ quan hữu quan để kịp thời có phương án hỗ trợ, nâng cấp tránh xảy ra sự cố nghiêm trọng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.