Thị trường

Thủ tục cấp sổ đỏ... hành dân

08/11/2017, 07:12

Từ 3/3/2017, thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức tối đa chỉ trong 15 ngày.

12

Bộ TN&MT sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương cắt giảm các giấy tờ, thủ tục cấp sổ đỏ không đúng quy định - Ảnh: L.Đ

Thủ tục hành... là chính?

Chiều muộn ngày cuối tháng 10, nhận được điện thoại từ văn phòng nhà đất ra lấy sổ đỏ, bà  N.T.M. (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) mừng rỡ sau nhiều ngày chờ đợi, bà lập cập chạy ra khỏi nhà đến nỗi vấp ngã ngay lề đường. “Lúc đó là 17h30 chiều, nghe điện thoại xong chân cẳng cứ run cuống cả lên, chỉ sợ không ra nhanh người ta lại không cấp cho thì khổ!”, bà M. nhớ lại.

Theo bà M., đây là kết quả của gần 3 tháng lận đận gõ cửa không biết bao nhiêu nơi để làm thủ tục cấp sổ đỏ cho căn hộ chính chủ của vợ chồng bà mua từ 25 năm trước. Bà M. kể: “Năm 1992, vợ chồng tôi tích cóp mua căn hộ từ chính chủ đầu tư, có đủ giấy tờ thủ tục mua bán. Cách đây 3 năm, cán bộ phường vào khu nhà chung cư bảo làm hồ sơ cấp sổ đỏ nộp lên quận Hai Bà Trưng để giải quyết. Tuy nhiên, bẵng đi thời gian dài, chúng tôi vẫn không thấy tăm hơi hồ sơ của mình được giải quyết. Chồng tôi lại ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Trước khi mất, ông đã viết di nguyện để lại căn hộ cho tôi”.

Bộ TN&MT đang đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi quy định các trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 thì không phải đóng tiền sử dụng đất, để bảo đảm kế thừa quy định của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP. Các trường hợp còn lại đang sử dụng đất khi tính tiền sử dụng đất thì áp dụng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.

Cuối tháng 7/2017, bà M. quyết định đem hồ sơ xin cấp sổ đỏ lên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, khi nhận hồ sơ, nhân viên yêu cầu bà M. phải ra văn phòng công chứng Nhà nước xác nhận sau khi chồng mất, căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà. Khi ra văn phòng công chứng Nhà nước, nhân viên tại đây cho hay: Không có sổ đỏ, làm sao họ có căn cứ để xác nhận việc phân chia tài sản!? Trong khi bà M. mang giấy ủy quyền của chồng ra phường cư trú, họ chỉ chứng thực chữ ký của ông ấy chứ không xác nhận đây là văn bản di chúc… Mang những thông tin này quay lại văn phòng nhà đất giải thích thì họ vẫn một mực không chấp nhận. Nhờ người quen chỉ cách, bà đã tìm ra văn phòng công chứng tư, mất hơn 2 triệu đồng phí dịch vụ, hồ sơ mới hoàn thiện. “Ngày 16/8, tôi hoàn tất thủ tục hồ sơ và nhận được lịch hẹn tới ngày 6/9 lấy sổ. Đến hẹn, nhân viên lại báo có sổ rồi chưa bàn giao được vì thiếu xác minh miễn thuế chuyển nhượng của Chi cục Thuế Hai Bà Trưng. Tôi lại ra gõ cửa chi cục thuế. Sau khi nghe trình bày, nhân viên tại đây tỏ ý bực bội bảo tôi “thiếu hiểu biết”, rằng căn hộ của tôi đâu đã có sổ đỏ, không có cái gì để làm xác nhận! Vậy là tôi lại lật đật quay về văn phòng nhà đất trình bày, song một lần nữa họ lại tỏ thái độ thờ ơ “không biết, chờ ý kiến trả lời sau”. Đợi mãi không thấy phản hồi, qua các mối quan hệ tôi mới nhận được thông tin: “Đây là trường hợp đặc biệt, phải chờ hướng dẫn của Tổng cục Thuế!”, bà M. chia sẻ. Ngày 27/10, quá bức xúc, bà M. đã nhờ phản ánh sự việc lên lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội. Kết quả thật bất ngờ, 17h30 chiều cùng ngày, bà nhận được tin ra lấy sổ đỏ.

Được biết, khi lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu báo cáo sự việc, đại diện Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thanh Xuân cho biết, hộ bà M. nộp hồ sơ ngày 16/8, hạn trả kết quả ngày 6/9. Tuy nhiên, do ngày 5/9, cơ quan thuế báo sai sót nên việc trả kết quả kéo dài đến ngày 27/10.

Qua tìm hiểu, sự việc của bà M. vẫn còn khá may mắn. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông B.V.K. (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, mặc dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ hơn 1 năm qua, địa phương cũng đã có quyết định giao đất song tới nay, ông và gần 100 hộ dân khác vẫn đang ngóng chờ sổ đỏ. “Hỏi xã thì bảo chờ huyện, lên huyện cũng bảo chờ tiếp. Trước đó, có gần 20 hộ cùng đối tượng đã được cấp sổ đỏ, còn mình thì không rõ bao giờ mới tới lượt”, ông K. nói.

Chỉ giải quyết được 25% trường hợp tồn đọng

Mới đây, Bộ TN&MT đã có công văn yêu cầu Sở TN&MT các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp tồn đọng chưa cấp sổ đỏ theo từng loại đất. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong số các trường hợp còn tồn đọng, chỉ có thể giải quyết cấp được cho khoảng 25% các trường hợp. Theo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố, phần lớn các trường hợp còn lại không giải quyết được hoặc chưa thể giải quyết ngay bởi hàng loạt lý do như đất giao trái thẩm quyền và đất lấn chiếm. Trong khi đó, tiền sử dụng đất phải thu đối với các trường hợp này theo giá đất hiện nay là quá lớn, đặc biệt là quy định về việc người sử dụng đất chỉ được hưởng một lần hạn mức công nhận đất ở, diện tích còn lại phải nộp tiền nên nhiều hộ dân không đủ kinh tế để thực hiện.

Ngoài ra là nhiều trường hợp đất không có giấy tờ theo quy định và hiện đang có tranh chấp; đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và mua bán bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1/1/2008 trở về trước hoặc hiện trạng sử dụng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; đất đang trong khu vực có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất. Đặc biệt, có trường hợp đất nằm trong khu vực dự án treo nhiều năm không thực hiện, địa phương cũng không có điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch này…

Đáng nói, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, tạo điều kiện tối đa cho người dân làm sổ đỏ, có hiệu lực từ ngày 3/3/2017, song nhiều địa phương, do UBND cấp tỉnh chưa ban hành quyết định cho phép nên chưa có cơ sở để thực hiện.

“Trước mắt, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương còn chậm trễ trong giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận, đề nghị ban hành quy định cho phép Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được cấp giấy chứng nhận khi người sử dụng đất thực hiện quyền; cắt giảm các giấy tờ, thủ tục đề ra không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, trong đó có lĩnh vực cấp giấy chứng nhận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục”, đại diện Bộ TN&MT khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.