Xã hội

Thủ tướng: Bộ KH&ĐT có thể đổi tên là Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển

09/01/2020, 21:03

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý Bộ KH&ĐT có thể đổi tên thành Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển sau năm 2020.

img
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Chiều nay, 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Đây cũng là cơ quan được Thủ tướng chọn để công bố lần đầu tiên 2 tầm nhìn 100 năm (100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước) vào tháng 2/2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được xem là một trong những cơ quan đầu tiên ra quân triển khai Nghị quyết 01, 02.

Phát biểu tại Hội nghị với chủ đề “Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại các kết quả trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2019. Thủ tướng cho rằng, Bộ KH&ĐT đã có những đóng góp quan trọng, “đã vượt lên chính mình”, là bộ đi tiên phong về đổi mới tư duy, hành động và hiệu quả.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII, Thủ tướng cho rằng Bộ KH&ĐT có “nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý rất nặng nề, yêu cầu cao”. Bộ đã triển khai thực hiện khối lượng nhiệm vụ, đề án rất lớn có chất lượng, đúng thời gian, tiến độ đề ra, đạt tỷ lệ 100%. Thủ tướng nhìn nhận, năm 2019, Bộ KH&ĐT đã làm việc tốt hơn năm 2018.

Trong số các vấn đề còn tồn tại năm 2019, Thủ tướng nêu vấn đề đầu tư công còn vướng về thể chế, tổ chức thực hiện. Nhiều ngành, địa phương còn đạt tỷ lệ giải ngân thấp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu: “Các đồng chí vụ trưởng của Bộ KH&ĐT, Tài chính, các giám đốc sở KH&ĐT, Bộ trưởng KH&ĐT phải tham mưu tích cực, sát hơn nữa để tháo gỡ ngay trong quý I/2020 về giải ngân vốn đầu tư công".

Mặc dù đã xây dựng tiêu chí rõ ràng; nhưng theo Thủ tướng, danh mục các dự án đầu tư công còn rất dàn trải; còn bóng dáng của ban phát. Quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập. Thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng. Quá trình thực hiện còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm. Nhiều nơi hủy thầu vô căn cứ, có dấu hiệu tham nhũng. Còn tình trạng đấu thầu kém công khai.

Thời gian trước mắt, Thủ tướng chỉ rõ về khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông, “không ai khác hơn, chính Bộ KH&ĐT phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực”.

Thủ tướng đề nghị năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế: “Cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, giao cho Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng tự lo, các đồng chí không cần ôm giữ những việc không cần thiết, các đồng chí làm tổng hợp, làm chính sách pháp luật, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chủ trương lớn”.

Trước nhiều vấn đề có thể kìm hãm phát triển bền vững trong dài hạn: Nhân khẩu học, già hóa dân số... Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT phải suy nghĩ vấn đề này.

“Bộ KH&ĐT đóng vai trò như một nhà toán học, Bộ KH&ĐT phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ KHĐT phải thu hút được số vốn cao hơn nữa con số 38 tỷ USD của năm 2019, đồng thời thu hút được các tập đoàn lớn, các tập đoàn công nghệ, hỗ trợ cho chiến lược “make in Vietnam”.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT lên kế hoạch tái đào tạo đội ngũ cán bộ ngay cả trong bộ mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, nếu không thì công việc sẽ rất tắc, khó khơi thông.

Nhắc đến câu hỏi về việc tên Bộ KH&ĐT sau năm 2020, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ quan điểm cá nhân cho rằng Bộ có thể đổi tên thành Ủy ban Cải cách Đổi mới với người đứng đầu Ủy ban là một thành viên Bộ Chính trị; Hoặc cũng có thể đổi thành Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.