Xã hội

Thủ tướng: Chống gian lận, buôn lậu như vụ Asanzo là thành công

10/01/2020, 15:24

Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành tài chính ngày 10/1.

img
Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành tài chính ngày 10/1

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại Bộ Tài chính sáng nay (10/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các thành tích mà Bộ đã làm tốt trong năm qua: Kiểm soát nợ công, thu ngân sách, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, điều hành giá, chống gian lận xuất xứ…

Riêng về công tác chống gian lận xuất xứ, Thủ tướng biểu dương Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính trong một số vụ việc tiêu biểu năm 2019: “Công tác chống buôn lậu gian lận thương mại như vụ việc kho nhôm 4,3 tỷ USD, Asanzo là thành công. Đó là nỗ lực của ngành Hải quan, các lực lượng liên ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề mà ngành tài chính cần khắc phục, như cổ phần hóa còn chậm, không đạt kế hoạch năm 2019. “12 doanh nghiệp báo cáo phương án cổ phần hoá 50.000 tỷ đồng, mới đạt 28% kế hoạch”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính là cơ quan thường trực phải tư vấn, đề xuất cho Thủ tướng các vấn đề, đặc biệt là đất đai.

“TP.HCM có mấy trăm dự án nhưng chỉ triển khai được 1 dự án. Sau Tết âm lịch chúng tôi sẽ làm việc với TP.HCM”, Thủ tướng thông báo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh kỷ luật ngân sách, kiểm soát chi tiêu: “Kỷ luật ngân sách rồi nhiều sai phạm đấu thầu, mua sắm… Tôi giao Bộ Tài chính chấn chỉnh ngay, không để phát sinh sai phạm”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Thủ tướng nhắc nhở: “Chúng ta vẫn còn lãng phí, hoa tươi cho hội nghị vẫn nhiều quá, ô tô công cũng nhiều; Sự xa hoa ở một số lĩnh vực, ngành và doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn. Phải tiết kiệm hơn”.

Tài chính là huyết mạch quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược, chính sách: “Tài chính không chỉ đơn thuần là quản thu chi ngân sách Nhà nước, không chỉ giữ khư khư tiền mà phải biết huy động, biết làm thế nào tiền đẻ ra tiền. Tài chính là kinh tế, là nguồn lực của đất nước không chỉ đã có mà đang có và sẽ có”.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Trong ngành tài chính, thu thuế, ngân sách, chứng khoán cần khơi thông giải phóng nguồn lực mọi lĩnh vực để thành nguồn lực tăng trưởng của Việt Nam. Nguồn thu ngân sách ở đâu? Là xuất nhập khẩu, là sản xuất trong nước là công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Vậy Tài chính cần nhắm vào đâu để tăng nguồn thu?”

Thủ tướng cho rằng, ngành Tài chính cần tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu, làm sao chiếc bánh nguồn thu to hơn, lớn hơn. Đấy là câu hỏi về xây dựng thể chế, chính sách rất quan trọng. Đổi mới không phải bắt đầu từ cái nhà to mà đổi mới bắt nguồn từ con người, thể chế. Thủ tướng mong ngành Tài chính có con người giỏi để đóng góp cho đổi mới, sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm tốt công tác chống thất thu thuế, chuyển giá; Tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho phát triển; Quản lý chặt chẽ ngân sách. Bộ Tài chính là cơ quan gác cổng chi cho các hội nghị, lễ hội, khánh tiết, đi công tác nước ngoài, siết chặt tài chính, tài khoá, đồng thời tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước để có nguồn đầu tư, chi tiền lương.

Nói về chính sách ủng hộ doanh nghiệp nội địa, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính xây dựng chính sách để nội địa hoá xe hơi cao hơn như Thaco đã nội địa hoá đến 40-50% tuỳ mẫu xe. Phải ủng hộ doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo hệ sinh thái ô tô Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.