Thời sự

Thủ tướng: Chưa xem xét thành lập Bộ Kinh tế biển

19/11/2014, 16:58

Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết chưa xem xét thành lập Bộ Kinh tế biển trong nhiệm kỳ này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay 19/11
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay 19/11

Phát triển kinh tế biển phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) về việc Chính phủ có tính thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách 1 phần từ Bộ Tài nguyên Môi trường và 1 phần từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận đề xuất này và cho biết ông nhận được nhiều ý kiến tương tự, tuy nhiên ngay nhiệm kỳ này chưa thể xem xét.

Theo Thủ tướng, lập một Bộ kinh tế biển quản tất cả các lĩnh vực từ tài nguyên, đến an ninh quốc phòng, kinh tế, du lịch là rất khó. Khó chia tách rạch ròi rồi lại tổng hợp giao cho một bộ quản lý. Hiện nay, từng lĩnh vực, Chính phủ giao cho từng bộ quản lý.  Bộ Tài nguyên môi trường quản lý nhà nước về tài nguyên biển, khai thác thủy sản là Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (Có Tổng cục Thủy sản), vận tải biển giao Bộ Giao thông vận tải, khai thác dầu khí trên biển phải là Bộ Công thương, du lịch trên đảo phải là Bộ Văn hóa thể thao du lịch.

Thủ tướng cho biết, chỉ còn hơn một năm nữa thôi, Chính phủ đang đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này. Tinh thần của Chính phủ là trên tất cả các lĩnh vực đều có phân công, có quản lý nhà nước, có Bộ chịu trách nhiệm, các vấn đề liên quan thì có cơ chế phối hợp để giải quyết.

Về câu hỏi Chính phủ đã có đầu tư gì để phát triển kinh tế biển đảo, liệu có nên bớt đầu tư công để đầu tư cho kinh tế biển, giảm đầu tư trên bờ để đầu tư trên biển, Thủ tướng cho biết  Đảng ta đã có Nghị quyết riêng về chiến lược biển, Chính phủ đã có chương trình hành động, kế hoạch hành động, đầu tư.

Vừa qua đã triển khai tuy nhiên, so với mong muốn thì chưa đạt yêu cầu, cần nỗ lực hơn nữa. Căn cứ vào khả năng ngân sách quốc gia, điều kiện nợ công như báo cáo giải trình của Chính phủ vừa nêu, việc đầu tư phát triển kinh tế biển cần thực hiện theo chiến lược, quy hoạch. Mục tiêu là vừa phát triển kinh tế vừa gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Nỗ lực sớm đưa 300 ngàn hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững

Chiều nay, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đã chất vấn Thủ tướng về chính sách dân tộc, về 300 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất trong khi đất các nông lâm trường sử dụng chưa hiệu quả. Đại biểu Kiên Giang đặt câu hỏi: Xin Thủ tướng cho biết có chủ trương và giải pháp gì để cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số?

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: Cả nước ta còn 300 ngàn hộ đồng bào thiểu số không có đất sản xuất, đây là trăn trở rất lớn của Chính phủ, của cá nhân tôi.

Khi là Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên tôi đã hết sức tìm cách giải quyết vấn đề này, dù đã giải quyết rất nhiều nhưng vẫn còn tới 300 ngàn hộ như vậy. Để giải quyết, giờ cần nhiều biện pháp, trước hết là bà con sống gắn bó với rừng thì phải giao rừng. Cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn với đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa qua đã giảm được từ 50% xuống còn 34% hộ nghèo (trong đó có 300 ngàn hộ dân này).

Tôi đã trình bày trong báo cáo gửi Quốc hội rất cụ thể. Chính phủ phiên họp vừa rồi đã thảo luận một lần về dự thảo Nghị định do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì xây dựng về giao rừng gắn với giảm nghèo phát triển. Chính phủ sẽ cố gắng thảo luận và ban hành sớm nhưng khó nhất là ngân sách ở đâu, chúng tôi đang tính toán và cùng với đó sẽ điều chỉnh các chính sách khác về ngành nghề, tiếp cận dịch vụ xã hội... cho bà con.  Chính phủ đã nhận thức được vấn đề này và đang tập trung tìm cách giải quyết để 300 ngàn hộ đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh.

2015, đưa nợ xấu về mức 3%

Trả lời chất vấn của ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) về nợ xấu, cụ thể là Chính phủ có dùng vốn ngân sách cho việc này không, Thủ tướng khẳng định không sử dụng ngân sách nhưng Chính phủ có cách để phấn đấu đưa nợ xấu về mức khoảng 3% vào năm 2015.

Đây là mức thông thường ở các nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ như vậy sẽ phù hợp với sự phát triển của nước ta. Các giải pháp đã được nêu rất rõ trong báo cáo Quốc hội. Chính phủ sắp tới sẽ chỉ đạo các giải pháp đã nêu để có hiệu quả tốt hơn, nhanh hơn và vững chắc hơn, Thủ tướng nói. (Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9 năm 2012 - Trích báo cáo Chính phủ).

Trước câu hỏi của ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), giải pháp nào quan trọng nhất để có thể đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hóa đúng kế hoạch vào năm 2020, Thủ tướng cho biết không có cách nào khác là tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả theo Nghị quyết ĐH XI của Đảng, đồng thời thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất là đột phá chiến lược về thể chế. Thể chế ở đây là thể chế kinh tế thị trường XHCN nhằm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực kể cả nội lực, ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững. Thứ hai là đột phá về con người. Thứ ba là đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện tại.

Cơ chế hợp tác vùng: Chính phủ cũng đang lúng túng

Chiều nay, Đại biểu QH Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thị Kim Bé đã chất vấn Thủ tướng: "Chính phủ có nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết vùng với các tỉnh ĐBSCL và có giải pháp gì để phát triển khu vực này, các tỉnh này có thể hợp tác trong những lĩnh vực nào?". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, sự cần thiết liên kết hợp tác và nội dung hợp tác đã rõ, lãnh đạo 12 tỉnh đều đồng tình nhưng nhưng với thể chế của chúng ta hiện nay thì luật pháp gì, cơ chế thế nào để hợp tác là rất khó khăn. Chúng tôi đã dự thảo nhiều lần nhưng ban hành khó khả thi. Nên thật sự cũng đang lúng túng. Thực tế là cần thiết nhưng cơ tổ chức để thực hiện được thì cần phải thảo luận thêm.

Trình bày trước QH, Thủ tướng giải thích: "Trong một không gian và vùng có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng nhau thì rất cần thiết, cần liên kết để khai thác phát huy tiềm năng lợi thế, đầu tư hiệu quả hơn, ứng phó đối phó khắc phục khó khăn thách thức đặt ra mà riêng một tỉnh, một địa phương xử lý rất khó. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch đầu tư chủ trì xây dựng quy chế liên kết các vùng kinh tế của cả nước, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long".

Theo Thủ tướng, có 4 nội dung cần liên kết hợp tác trong khu vực ĐBSCL. Thứ nhất là hợp tác đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế xã hội để sử dụng hiệu quả hơn tránh trùng lặp lãng phí. Thứ hai là hợp tác phát huy lúa gạo, cá tra cá ba sa, tôm và trái cây, thứ ba (liên kết thành chuỗi từ giống, nuôi trồng, tiêu thụ). Thứ ba là liên kết hợp tác sử dụng bền vững và ứng phó hiệu quả nguồn tài nguyên nước, chống lũ. Thứ tư là hợp tác bảo đảm quốc phòng an ninh.

Trước khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình về 6 vấn đề lớn đang được cử tri và đại biểu cả nước quan tâm. Độc giả có thể xem toàn văn báo cáo tại đây

N. Anh - Lưu Thủy - Lê Ngọc

Ảnh: Linh Dương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.