Xã hội

Thủ tướng: Chuyển phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công

05/05/2021, 19:08

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công một cách hài hoà.

img

Chính phủ họp thường kỳ tháng 4

Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã

Ngày 5/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.

Tại phiên họp, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nội dung đầu tiên được Chính phủ ưu tiên xem xét. Cơ bản đồng tình đối với Báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh là rất cao.

Theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn.

“Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng lưu ý, hiện nay số ca nhiễm mới, ca tử vong trên bản đồ dịch bệnh thế giới tiếp tục tăng; việc nhập cảnh, cư trú trái phép có xu hướng tăng lên trong thời gian qua; xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân; công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly (khi về địa phương) còn bất cập; biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh, khó phát hiện, diễn biến phức tạp.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19.

"Phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống đựa trên thực tiễn", Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao. Yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.

Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

"Tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã”, Thủ tướng chỉ đạo.

Chính phủ nhất trí giao Bộ Y tế khẩn trương, chuẩn bị kỹ Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Chính phủ sẽ có cuộc họp chuyên đề về nội dung này.

Các kịch bản phù hợp với mọi tình huống cho bầu cử

Đề cập đến công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, bảo đảm an toàn về mọi mặt, thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng thời phải chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín làm đại biểu của nhân dân.

Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có các kịch bản phù hợp với mọi tình huống.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. Chính phủ thống nhất nhận định, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tốt, xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt (thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay); xuất khẩu, thu hút đầu tư, thu ngân sách đạt được nhiều kết quả tích cực; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định, cơ bản có bước cải thiện; công tác khắc phục hậu quả bão lũ năm 2020 được triển khai tốt;…

Tuy nhiên, chúng ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch Covid-19, tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước; chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài khóa có những kết quả tích cực song nhiều chỉ số chúng ta còn chưa yên tâm; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; còn có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo về thể chế làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh... Đây là những vấn đề phải tập trung giải quyết; tình hình đầu tư công có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm; một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; an ninh trật tự nổi lên vấn đề nhập cảnh, lưu trú trái phép, cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định…

“Bên cạnh những tín hiệu tốt, tích cực, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều lo lắng, đề nghị các thành viên Chính phủ nhận thức rõ vấn đề này. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mỗi bộ, mỗi ngành, địa phương phải chủ động, tích cực xử lý những vấn đề còn hạn chế, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong tháng 5 và thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Tập trung khắc phục hậu quả, xử lý sớm 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các dự án tăng cường đầu tư cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông để phát huy các nguồn lực ở các khu vực này, phải quyết tâm đầu tư vào đây theo hướng huy động nguồn vốn xã hội; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.