Chính trị

Thủ tướng: Còn tình trạng tư nhân biến đất nông, lâm nghiệp thành của riêng

18/11/2019, 17:11

Thủ tướng nhấn mạnh thời gian gần đây xuất hiện tình trạng tư nhân tìm cách lấn chiếm đất nông lâm nghiệp, biến thành của riêng.

img
Thủ tướng dự hội nghị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Tư nhân chiếm đất nông lâm nghiệp, biến thành của riêng

Ngày 18/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng tham dự.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, sau 5 năm triển khai nghị quyết, hiện nay, các công ty nông lâm nghiệp đang lựa chọn 1 trong 4 phương án sắp xếp, chuyển đổi gồm: mô hình công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước; mô hình công ty cổ phần; mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên; nếu không thể chuyển đổi thì có thể tính đến phương án giải thể nông, lâm trường.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đã làm được trong sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp, nhưng cũng chỉ ra nhiều mặt khuyết điểm, hạn chế, nhất là về tiến độ so với Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị yêu cầu.

Trong khi đó, theo Thủ tướng, tình trạng “phát canh thu tô” đất trên giấy tờ còn nhiều, nhưng thực tế lại không còn, tư nhân tìm cách lấn chiếm đất nông lâm nghiệp, biến thành của riêng... vẫn còn xảy ra trong các công ty nông lâm nghiệp.

Thủ tướng phê bình tình trạng, mặc dù mục tiêu đề ra là đến năm 2015, các địa phương phải làm xong phương án rà soát, sắp xếp đất nông lâm nghiệp, nhưng đến nay đã là năm 2019 mà vẫn có địa phương chưa hoàn thiện, nhất là tình trạng chưa có phương án sử dụng đất rừng.

Không có chuyện mở cửa rừng để khai thác

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề cập tình trạng khai thác rừng tự nhiên và khẳng định chủ trương của Chính phủ là đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ - phát triển rừng, người dân chỉ được khai thác lâm thổ sản dưới tán rừng.

Hiện nay, lệnh đóng cửa rừng tự nhiên đã được triển khai từ năm 2016. Tại hội nghị, đã có doanh nghiệp đề nghị mở cửa trở lại, cho những doanh nghiệp đạt chứng chỉ khai thác bền vững được “thí điểm khai thác rừng tự nhiên” sau nhiều năm cấm.

Tuy nhiên, khẳng định những giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản hiện nay không phải là từ rừng tự nhiên, Thủ tướng yêu cầu: “Đừng đề nghị lên Chính phủ là tiếp tục cho khai thác rừng tự nhiên”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.