Xã hội

Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ, chống tiêu cực trong đầu tư công

28/09/2021, 17:08

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính

23 địa phương trả lại gần 22.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2021

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến đến hết tháng 9 này, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt hơn 218.000 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 51,71%; vốn nước ngoài đạt 12,69%.

Đến nay, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan Trung ương và 52/63 địa phương giải ngân đạt dưới 60%. Đặc biệt, 15 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021, với tổng số vốn là gần 22.000 tỷ đồng...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 1 số nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu.

Đặc biệt, năm 2021, kinh tế - xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân vốn đầu tư công...

Các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương chậm, có một phần do yếu tố khách quan về thể chế, giải phóng mặt bằng..., song có những nguyên nhân chủ quan cần được khắc phục, nhất là do khâu tổ chức thực hiện còn yếu.

Công tác chuẩn bị đầu tư có nơi còn sơ sài, khi thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc. Riêng giải ngân vốn đầu tư ODA chậm, một phần khó khăn, vướng mắc xuất phát từ yêu cầu của nhà cấp vốn.

Có đơn vị giải ngân vốn đầu tư công bằng 0%

Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%; bên cạnh đó phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 40%; đề nghị cấp ủy, chính quyền kiểm điểm nghiêm túc về tình hình chậm trong đầu tư công để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt xem xét, xử lý những tập thể, cá nhân trì trệ, thậm chí có sai phạm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, thiếu đồng bộ, thông suốt, việc khắc phục những tốn tại, yếu kém chưa kịp thời… nên tình hình giải ngân đầu tư công thời gian qua vẫn chậm; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, có đơn vị giải ngân vốn đầu tư công bằng 0%.

Thủ tướng chỉ rõ ngoài nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 gây ra, ảnh hưởng đến giải ngân do thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội..., nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.

Đó là, việc chuẩn bị đầu tư chưa kỹ càng, dàn trải, chưa sát thực tế, thiếu tập trung, không đúng với bản chất của đầu tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp trong tổ chức thực hiện có lúc thiếu tập trung, cụ thể, thiếu giám sát, kiểm tra.

Công tác giải phóng mặt bằng có nơi thiếu minh bạch, chưa tuyên truyền, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, ủng hộ, thực hiện. Công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng có nơi còn bất cập, thiếu minh bạch. Việc thẩm định, tư vấn, thanh quyết toán còn chậm chạm. Việc sửa đổi, bổ sung thể chế chưa kịp với thực tiễn.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội đất nước vẫn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, cần tập trung các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19," vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa mở cửa có lộ trình để khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.

Riêng về đề nghị tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm.

Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, với khoảng thời gian chỉ còn 3 tháng, song nhiệm vụ giải ngân còn lại chiếm hơn 50% kế hoạch, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp.

Riêng tại địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, chưa thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” thì tranh thủ làm các thủ tục để khi hết giãn cách xã hội có thể bắt tay ngay vào triển khai, giải ngân.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; phát huy cao độ tính sáng tạo, linh hoạt của các cấp chính quyền; xem thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm.

Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, nhất là vai trò người đứng đầu; với tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được đề ra; biến khó khăn thành động lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Mục tiêu là hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ đạt cao nhất có thể; vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả; song song với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Đặc biệt, tiếp tục rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung các quy định kịp thời, phù hợp với tình hình. Trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành giải quyết và phối hợp giải quyết.

Những vấn đề thuộc Chính phủ thì tổng hợp trình Chính phủ để giải quyết nhanh nhất có thể; những vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ thì khẩn trương chuẩn bị để trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng để cùng nhau nắm bắt, học hỏi, thi đua thúc đẩy giải ngân.

Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” để các địa phương áp dụng thống nhất, song ở những địa phương đặc thù thì bàn giải pháp áp dụng cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.