Xã hội

Thủ tướng: Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển

03/02/2023, 16:23

Theo Thủ tướng, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được.

Càng áp lực càng phải nỗ lực

Sáng 3/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ năm 2023, năm bản lề thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, công việc thường xuyên ngày càng nặng nề, trong khi phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh và bất cập, tồn đọng tích tụ kéo dài.

Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy kết quả đạt được, tranh thủ cơ hội và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Công thương cần quán triệt một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, điều hành. Đó là tinh thần "biến nguy thành cơ", càng áp lực càng phải nỗ lực; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" theo chủ đề điều hành năm 2023 đã được Chính phủ xác định.

Thủ tướng đề nghị ngành công thương trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, mà trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Điện lực quốc gia; Năng lượng quốc gia; Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Đây đều là các quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó, nhất là Quy hoạch Điện lực quốc gia và Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia. Cho đến nay, các quy hoạch này đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định để phê duyệt theo quy định.

Theo Thủ tướng, quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đúng hướng, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước.

"Chính phủ rất trăn trở việc này. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch Điện VIII. Ở điểm này chúng ta bình tĩnh, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về giá điện, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Cần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

Thứ tư, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.

Thứ năm, tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ..

Thứ sáu, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ bảy, có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển; tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, hạ tầng năng lượng, thương mại điện tử.

Xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.