Xã hội

Thủ tướng: Hạ tầng giao thông quốc gia tạo diện mạo mới cho đất nước

24/03/2021, 11:00

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hạ tầng giao thông đã góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước

img

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là việc hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung đầu tư hiện đại, nhiều công trình hạ tầng về giao thông quốc gia, năng lượng, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật đô thị... được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.

"Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long (cầu Cao Lãnh, Vàm Cống,…); chú trọng xây dựng hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm tại các đô thị lớn”, Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ cũng tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt các sân bay lớn, cửa ngõ, chiến lược như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư, quản lý khai thác hệ thống cảng hàng không sân bay. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, các trung tâm trung chuyển đầu mối trọng điểm phát triển tại các đô thị, khu vực sản xuất lớn, cửa ngõ giao thông.

Để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 5 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai như: các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành… và các công trình trọng điểm khác như: xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ...; phê duyệt chủ trương một số tuyến đường bộ cao tốc khác như Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu

Về tình hình trật tự, an toàn giao thông, người đứng đầu Chính phủ khẳng định “đã có những chuyển biến tích cực”. Cụ thể, ùn tắc giao thông tại thành phố lớn và trên các quốc lộ trọng điểm từng bước được khắc phục; ý thức của người tham gia giao thông có nhiều tiến bộ; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu.

Từ năm 2016-2020, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý gần 21 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn hơn 14,1 nghìn tỷ đồng, tước hơn 1,7 triệu giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 3,2 triệu phương tiện.

So với cùng kỳ 5 năm trước, xử lý giảm hơn 8,5 triệu trường hợp (-28,96%), tiền phạt tăng hơn 1.140 tỷ đồng (+8,79%);

Tổng cục, các Cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện hơn 478 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính hơn 447 nghìn vụ với số tiền hơn 1.958 tỷ đồng; tạm giữ 2.233 ô tô; đình chỉ hoạt động 2.733 bến thủy nội địa, 2.318 phương tiện thủy nội địa; giám sát 4.974 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 4.488 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Theo báo cáo của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải, trong 5 năm (15/10/2015 -14/10/2020), xảy ra 94.024 vụ, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 70.085 vụ (-42,71%), giảm 9.372 người chết (-19,01%), giảm 90.628 người bị thương (-53,91%).

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão, lũ nhưng đã đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển KTXH.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8% nằm trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; giai đoạn 2016-2020 đạt 5,99%; năm 2020 kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương trong khi kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam nằm trong 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, vươn lên vị trí thứ 33, tăng 9 bậc so với năm 2019. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện vượt bậc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.